Trung Quốc cảnh báo chiến tranh tiền tệ

Lãnh đạo ngân hàng trung ương Trung Quốc thúc giục nhóm G20 tăng cường hợp tác để tránh cái gọi là chiến tranh tiền tệ khi các nước đua nhau cạnh tranh hạ giá đồng tiền để hỗ trợ kinh tế trong nước.

Đồng tệ về gần giá trị thực

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ) hôm 26/1, ông Yi Gang, phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, cần phải có sự hợp tác và trao đổi thông tin tốt hơn nữa về thị trường tiền tệ trong nhóm G 20. Ông cũng cho rằng, hiện nay tỷ giá trao đổi của đồng nhân dân tệ đã tiến gần hơn nhiều tới mức cân bằng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết nước này đang tập trung vào mục tiêu chống giảm phát hơn là làm yếu đồng yên. Mới đây, đồng yên liên tục trượt giá sau khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ. Lời bình luận của ông được đưa ra một tuần sau khi các nhà chính sách ở Đức và Canada đồng loạt lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự trượt giảm liên tục của đồng yên.

Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của Royal Bank of Scotland, người từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới cho biết: “Một cuộc chiến tranh tiền tệ, hay là một cuộc cạnh tranh giảm giá đồng tiền theo kiểu ăn miếng trả miếng, sẽ làm bùng lên các biện pháp bảo hộ thương mại, từ đó phá huỷ tự do thương mại và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này không hề có lợi cho bất cứ một quốc gia nào tham gia vào mạng lưới kinh tế toàn cầu”.

Ông Kuijs cũng cho rằng dù giá trị tương quan giữa đồng nhân dân tệ với các tiền tệ chính khác đã tăng 2,5% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9/2012 đến 23/1, nhưng đồng tệ vẫn còn phần nào ở dưới giá trị thực của nó.

Trung Quốc cảnh báo chiến tranh tiền tệ - 1

Ông Yi Gang, phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

Những lời chỉ trích về hệ thống tỷ giá trao đổi của Trung Quốc đã phần nào dịu đi trong vài tháng gần đây. Lawrence Summers, người từng là cố vấn kinh tế cao cấp của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hôm 14/1 đã cho rằng đồng tệ không còn bị kìm giá mạnh như 5 năm trước đây. Đồng tiền có ảnh hưởng lớn này đã tăng giá khoảng 17% so với đồng USD kể từ cuối năm 2007 và tăng 1% trong năm ngoái, mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 25/1 đã ấn định tỷ giá hàng ngày của đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất so với đồng USD kể từ ngày 9/1, làm dấy lên tin đồn rằng ngân hàng này không muốn thua thiệt trong bối cảnh đồng yên giảm khiến hàng xuất khẩu của Nhật trở nên cạnh tranh hơn.

Cạnh tranh giảm giá đồng tiền

Chính phủ Trung Quốc đang muốn phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà không đẩy lạm phát và nợ xấu tăng cao. Theo một báo cáo của cơ quan thống kê, lợi nhuận của các công ty công nghiệp đã tăng 4 tháng liên tiếp, tính đến tháng 12, báo hiệu một đà phục hồi đang nhen nhóm. Lợi nhuận ròng tháng 12 tăng 17,3% so với năm trước lên mức 895 tỷ nhân dân tệ (144 tỷ USD), sau tăng vọt 22,8% trong tháng 11. Lợi nhuận của cả năm tăng 5,3%, giảm so với mức 25,4% của năm 2011. GDP quý 4 tăng 7,9%.

Yi cho biết ông rất quan ngại về các biện pháp hỗ trợ kinh tế như chương trình mua lại tài sản, giảm lãi suất gần 0% của các nền kinh tế phát triển.

“Chương trình nới lỏng định lượng ở các nền kinh tế phát triển đang tạo ra những bất ổn về dòng vốn trên thị trường tài chính. Việc cạnh tranh giảm giá đồng tiền là một khía cạnh của vấn đề này. Nếu tất cả đều đua nhau nới lỏng định lượng thì cuối cùng đồng tiền sẽ còn giá trị gì ?”, ông Yi, cùng là người đứng đầu Uỷ ban Quốc gia về tỷ giá ngoại tệ (SAFE) nói.

SAFE tuần trước cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp nhận những dòng tiền đầu cơ mới sau khi các ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật cho biết họ sẽ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính.

“Những chính sách nới lỏng tiền tệ và lãi suất thấp tại các nền kinh tế lớn sẽ làm tăng thanh khoản toàn cầu, khiến dòng vốn đầu cơ sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường Trung Quốc”, cơ quan này cho biết hôm 25/1.

Chất lượng quan trọng hơn tốc độ

Năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,8%, mức thấp nhất kể từ năm 1999, trong khi nước này tăng trưởng bình quân hơn 10% trong hơn hai thập kỷ qua. Các nhà làm chính sách đã chấp nhận một tốc độ tăng trưởng thấp hơn để chuyển dịch nền kinh tế hướng tới tiêu dùng nội địa, giảm dần kiểu tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, vốn gây ra sự phá huỷ môi trường, dư thừa năng lực sản xuất và bất ổn xã hội.

Cơ quan thống kê quốc gia cũng dự đoán nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm dần khi dân số trong tuổi lao động giảm và các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm hơn.

Ông Yi khẳng định “Điều quan trọng nhất lúc này là chất lượng tăng trưởng chứ không phải là tốc độ tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng bao gồm các yếu tố phân phối thu nhập tốt, cải thiện năng suất lao động, bảo vệ môi trường và bền vững về năng lượng. Nếu giữ được chất lượng tăng trưởng và đạt mục tiêu tăng trưởng 7% thì đó là kết quả tốt nhất”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương An - (Vnmedia/ Bloomberg)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN