Dùng người nghèo phá băng BĐS: Kỳ quái!
Nhiều giải pháp đã đưa ra nhằm phá "băng" BĐS, trong đó có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của NHNN cho vay, thuê, thuê mua, chuyển đổi nhà xã hội. Tuy nhiên, PGS.Võ Đại Lược cho rằng: Dùng người thu nhập thấp để phá băng BĐS sản hơi "kỳ quái". Người nghèo vẫn khó mua được nhà.
Quan điểm “nên để thị trường bất động sản (BĐS) rơi tự do” để người nghèo có cơ hội mua nhà trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tại Tọa đàm về BĐS sáng 9/5, đa số các chuyên gia cho rằng: không thể bỏ mặc thị trường này “khản cổ kêu cứu”.
“Không có nhà nước nào lặng im nhìn lãng phí BĐS ngày này sang ngày khác. Nhà nước không thể bỏ mặc thị trường BĐS”, GS.Nguyễn Mại – Nguyên phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về hợp tác và đầu tư nói.
Không nên chờ đến “đáy” mới “cứu”
Dẫn chứng lại số liệu nợ xấu trong lĩnh vực BĐS của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết: hiện nay, nợ có bảo đảm thế chấp bằng BĐS chiếm 58% tổng nợ xấu, tương đương 250.000 tỷ đồng.
Tuy số liệu tồn kho BĐS chưa được thống nhất nhưng theo nhiều nhận định, con số tồn kho nhiều đến mức 5 năm sau vẫn chưa giải quyết hết.
Không thể để BĐS "rơi tự do" (ảnh minh họa)
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, muốn phục hồi BĐS cần gấp rút giải quyết nợ xấu.
“Không thành phần kinh tế nào tự mình giải cứu được”, ông Hiếu nói. “Nếu không tháo gỡ khó khăn cho BĐS, nhiều ngành chết theo. Không thể để BĐS rơi tự do”.
GS.Nguyễn Mại – Nguyên phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho rằng, BĐS là một hệ thống nhỏ trong toàn bộ hệ thống lớn của nền kinh tế vì vậy không thể để “rơi tự do”.
“Chúng ta không nên nghĩ khi nào BĐS về đến đáy thì mới phát triển được. Mỗi giai đoạn nên giải quyết các vấn đề tồn tại chứ không nên chờ đến đáy mới có giải pháp”, GS Mại nói.
30.000 tỷ đồng: “Ném vào cũng vô nghĩa”?
Một trong những gói giải pháp được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ thị trường BĐS là gói 30.000 tỷ. Đánh giá cao giải pháp này nhưng các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS cần nhiều hơn thế.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ là bước tích cực trong động thái hỗ trợ thị trường này. Tuy nhiên, trọng tâm của vấn đề không nằm ở đó.
Vấn đề cốt lõi mà ông Hiếu đưa ra là mức lãi suất 6% cố định trong 3 năm thuộc gói hỗ trợ này không thu hút được người muốn mua nhà.
“Lãi suất cố định 6% cần kéo dài 15 – 20 năm”, vị này kiến nghị.
PGS.Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thế giới cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng chỉ là giải pháp trước mắt, “ném tiền vào cũng vô nghĩa”.Vấn đề cốt lõi là phải xử lý từ gốc, phải tìm nguyên nhân “đẻ” ra nợ xấu để “điều trị”.
“Dùng người thu nhập thấp để phá băng BĐS sản hơi kỳ quái. Người nghèo vẫn khó mua được nhà”, PGS.Võ Đại Lược nhận định.
Chỉ "ném 30.000 tỷ" vào cũng vô nghĩa? (ảnh minh họa)
Theo ông Lược, mặc dù đối tượng của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nhắm vào người nghèo nhưng chưa chắc đã “đến tay” họ bởi có nhiều nhóm lợi ích chi phối. Các giải pháp lựa chọn đối tượng được quyền vay - mua đã bao hàm cơ chế xin – cho.
“Lịch sử thế giới đã cho thấy, giải pháp hỗ trợ chọn đối tượng hiệu lực thấp, nguy cơ thua thiệt lớn và không hiệu quả”, PGS.Võ Đại Lược nói.
Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - PGS.TS Đào Hùng cho rằng, để vực dậy thị trường BĐS, quan trọng nhất là cần sửa “khuyết tật” thị trường mà Chính phủ phải trực tiếp “nhúng tay”.
“Chính phủ phải có các giải pháp, không thể để BĐS rơi tự do, không có bất kỳ giải pháp nào vì BĐS đang chìm xuống và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam”, ông Hùng nói.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Dự thảo Thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội với các đối tượng: người thu nhập thấp, CBCNVC, LLVT vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội dự kiến là 6%/năm trong vòng 3 năm. Doanh nghiệp được vay vốn là những doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, các dự án nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. |