Doanh nghiệp được phép tự quyết định hình thức con dấu

Dự thảo luật kinh doanh sửa đổi lần này quy định doanh nghiệp có quyền tự quyết định nội dung, hình thức của con dấu và đăng ký với cơ quan quản lý.

Thông tin trên do ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên thường trực ủy ban kinh tế Quốc hội, đại diện ban soạn thảo luật kinh doanh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo luật doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 7/10.

Ông Bảo cũng cho biết, con dấu là câu chuyện mang tính chất truyền thống, văn hóa, lịch sử, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tranh luận có nên bỏ con dấu hoặc để doanh nghiệp tự quyết định con dấu của mình.

Doanh nghiệp được phép tự quyết định hình thức con dấu - 1

Ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội

Rắc rối, không cần thiết

Ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội, cho biết hơn 20 năm qua, không ít vụ án kinh tế khiến tòa phải đau đầu vì con dấu bị chiếm đoạt. Có nhiều trường hợp hội đồng quản trị cũ bàn giao công ty cho hội đồng quản trị mới nhưng quyết không giao con dấu. Ông chủ tịch mới lên muốn làm đơn xin con dấu mới nhưng lại không có dấu để đóng vào… đơn xin dấu nên đành phải nhờ tòa đòi.

“Không biết bao nhiêu lần tòa án TP Hà Nội phải giúp doanh nghiệp xin con dấu mới” - ông Anh nói.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, chữ ký là quan trọng và đủ. Con dấu không cần thiết, đẩy doanh nghiệp và tình thế thêm thủ tục hành chính.

Theo ông Đức, người ta thường dựa vào con dấu, như thế mới dễ bị lừa. Huyền Như lừa lấy 4.000 tỷ do dựa vào con dấu, do xã hội tin vào một cái gì đó không đáng tin. Nếu không có con dấu người ta sẽ làm tốt hơn, cẩn trọng hơn.

Vì thế, ông Đức cho rằng, nên bỏ con dấu đi, chỉ cần có trách nhiệm hơn trong việc tìm hiểu đối tác. Thế giới không cần con dấu, những cá nhân nước ngoài ký séc, nhiều người trong nước buôn bán giao dịch chứng khoán nhà đất hàng chục hàng trăm tỷ cũng không cần con dấu, mà họ đã kiểm chứng thực tế rồi. Con dấu khiến người ta dựa dẫm, dựa vào đó để nghĩ rằng đảm bảo cho pháp lý chứ thực ra nó không có ý nghĩa gì. “Quy định thế thì chịu thôi chứ không có thì không ảnh hưởng gì”, ông Đức nói.

Luật sư Tiền nêu quan điểm, quy định tất cả văn bản của doanh nghiệp phải có con dấu mới có giá trị là vô lý. Ví như 5 người cùng thành lập công ty, cùng ký tờ quyết định. Như thế tờ đó đã có giá trị pháp lý rồi nhưng với quy định hiện hành, phải có dấu mới có giá trị.

“Vậy phải chăng con dấu đó có quyền cao hơn 5 người kia. Đúng ra không cần phải đóng dấu nhưng nếu không có thì bị cơ quan nhà nước trả về”, ông Tiền nói.

Doanh nghiệp nên được tự quyết định con dấu

Luật sư Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị DN Việt Nam,  Ủy viên BCH Hội luật gia Hà Nội, không ủng hộ bỏ con dấu nhưng mong muốn doanh nghiệp nên tự quyết định hình thức con dấu.

Ông kể có doanh nghiệp Nhật Bản đã gặp nhiều khó khăn vì sang Việt Nam và đóng dấu hình elip màu tím than và không được cơ quan nhà nước chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp nếu mất con dấu thì phải “chạy toáng lên”.

Theo Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Ngọc Khánh, Ngân hàng TMCP Quốc Dân, không nên bỏ con dấu nhưng doanh nghiệp nên được tự quyết định hình thức con dấu. Tuy nhiên, cũng cần có nguyên tắc bắt buộc doanh nghiệp tuân theo như con dấu phải là hình gì, những nội dung gì cần bắt buộc có, nội dung gì do doanh nghiệp tự quyết định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN