Doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng bất thường?

Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm, lượng DN BĐS mới thành lập đã tăng khoảng 89% so với cùng kỳ năm 2014. Các DN, chuyên gia nói gì về hiện tượng này?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đăng ký giấy phép kinh doanh đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, trong 2 tháng qua, cả nước đã có gần 14.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới lại giảm so với cùng kỳ năm 2014, đạt khoảng 5,6 tỷ đồng, giảm 3,4%.

BĐS là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 89%, trong khi lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm chỉ tăng khoảng 55%.

Trước lượng doanh nghiệp BĐS lập mới tăng cao đột biến như trên, trao đổi với PV Infonet, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phân tích: Trong tổng số các doanh nghiệp mới thành lập sẽ có 2 loại. Loại 1 sẽ là những doanh nghiệp thành lập mới hoàn toàn.

Loại thứ 2 là những doanh nghiệp đã “chết” có nhiều nợ thuế, nợ xấu…, giờ thành lập lại với cái tên mới để dễ dàng vay vốn ngân hàng.

“So với các công ty cũ thì công ty mới thành lập nhỏ hơn về vốn, ít hơn về nhân lực, trình độ cũng kém hơn. Vì thế, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều cũng chưa phản ánh được hết thực lực của nền kinh tế nước ta”, ông Kiêm đánh giá.

Doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng bất thường? - 1

 Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2015. Ảnh minh họa.

Còn trong số những đơn vị thành lập mới có một lượng doanh nghiệp BĐS tăng mạnh thì ông Kiêm cho hay những đơn vị này cũng chỉ là thay đổi thương hiệu, còn để các công ty mới phát triển, góp phần ổn định, phát triển thị trường BĐS thì chưa thể.

Tỏ ra không quá ngạc nhiên về số doanh nghiệp BĐS tăng mạnh 2 tháng đầu năm, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế của chúng ta khá lên thì thị trường BĐS cũng ấm lên, đó là tính quy luật. Lúc suy thoái, nhiều doanh nghiệp BĐS, kể cả môi giới cũng giải tán, đóng cửa đến khi thị trường ấm lên thì họ lại tái lập.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Cần phải có con số doanh nghiệp BĐS mới thành lập cụ thể, chứ nếu chỉ đưa ra con số tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái thì khá mờ, không nói nên được điều gì. Hơn nữa, các đơn vị mới thành lập là doanh nghiệp loại gì?

“Tôi không tin có doanh nghiệp BĐS mới thành lập để đầu tư kinh doanh BĐS mà chắc chỉ có sàn giao dịch, chủ yếu mua đi bán lại hoặc bán hàng cho một dự án, chủ đầu tư nào đó. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp mới nói chung mà Tổng Cục thống kê đưa ra là 14.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp giải thể, phá sản lại lớn hơn là 16.000 mới là điều đáng lưu tâm”, ông Đực nói.

Bên cạnh đó, thống kê cũng đưa ra con số hơn 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm, riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng 52,8% so với năm trước. Trước con số này ông Đực cho rằng đây cũng là một phần tín hiệu tốt. Song, ông lưu ý chúng ta đừng nên nhầm lẫn giữa tín hiệu tốt thì chắc chắn nền kinh tế sẽ tốt và BĐS cũng sẽ tốt lên.

“Khi thị trường không bán được hàng thì hàng loạt sàn BĐS đóng cửa, chuyển sang bán cà phê… khi thị trường có dấu hiệu tốt thì họ quay trở lại. Đó là sự tất yếu, yếu tố này không có tác động gì tốt cho thị trường, chỉ là chuyện mua bán sôi ở một số dự án thôi, còn tới 90% dự án đang nằm chết vẫn chưa được ai cứu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn cho thị trường BĐS”, ông Đực đánh giá.

Nếu như những doanh nghiệp mới thành lập đều là các sàn giao dịch ông Đực cho rằng cũng sẽ khó có tác động tốt hay xấu tới thị trường. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự cạnh tranh mạnh hơn khi ấm lên, nếu ai ra dự án trước sẽ thắng lợi.

Một doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại, phát triển trong bối cảnh hiện nay, theo ông Đực cần có 2 yếu tố cần và đủ. Yếu tố cần là phải có tài chính và yếu tố đủ là năng lực của lãnh đạo. Bởi bất động sản là “sân chơi” cho những người rất nhiều tiền, bản thân cổ phần, cổ đông của công ty phải mạnh hoặc phải có ngân hàng tài trợ. Nếu yếu tài chính, phải dựa vào đòn bẩy vay thì rất nguy hiểm.

Đồng thời, BĐS cũng là một nghề, muốn kinh doanh tốt đòi hỏi phải có tính chuyên môn cao chứ không phải ai muốn làm cũng được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thư (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN