Doanh nghiệp BĐS sẽ“chết” dây chuyền?

Những cái chết dây chuyền đang bày trước mắt DN BĐS. Tìm đâu lối ra là bài toán khó mà các DN đang chờ đợi Chính phủ thấu hiểu và hỗ trợ.

Nhiều câu nói thẳng, nói sẵng đã được các lãnh đạo doanh nghiệp thốt ra tại cuộc họp Bộ Xây dựng tổ chức đầu tuần này nhằm ghi nhận nỗi khổ của các hội, hiệp hội và một số tổng công ty (TCT) về hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.

Tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kinh doanh bất động sản đều chật vật trong năm 2011 và “tụt hậu” trong 4 tháng đầu năm 2012. Ngành nào cũng kêu ca lượng tồn kho lớn, doanh nghiệp thua lỗ, phải tạm thời ngừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất, nhằm giảm chi phí và giảm lượng hàng tồn kho.

“Tiến thoái lưỡng nan” là các lĩnh vực xi măng, sản xuất kính cán, gạch ceramic. Tổng thư ký Hiệp hội Kính than thở, lĩnh vực này có đặc thù các lò luyện phải chạy liên tục, tạm ngừng chạy, chi phí khởi động lại rất lớn, trong khi sản phẩm làm ra lại không đảm bảo chất lượng do lò gián đoạn hoạt động.

Lãnh đạo TCT miền Trung lại cho hay, lỗ bao nhiêu thì lỗ, TCT này vẫn phải chạy máy, phải sản xuất. Phần lớn vốn đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng đều là vốn vay, biết là lãi suất tăng cao, vốn lưu động khó tiếp cận trong khi đầu ra, tiêu thụ giảm, nhưng không sản xuất, lấy đâu tiền trả lãi vay, trả lương công nhân…

Doanh nghiệp BĐS sẽ“chết” dây chuyền? - 1

Dự án ParkCity triển khai xong móng rồi… nghỉ! - Ảnh: Nguyên Minh

TCT Xi măng thì nói thẳng: “Đang diễn ra những cái chết dây chuyền. TCT này đang khó thu hồi khoản nợ bán hàng 500 tỷ đồng, đến lượt họ lại nợ tiền than, tiền điện. Ông điện lực lại nợ sang ngành dầu khí. Một doanh nghiệp chết kéo theo nhiều doanh nghiệp khác đuối sức, từ vận tải, cung cấp nguyên nhiên vật liệu. …”

Những con số chi tiết về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vốn, chi phí tài chính trong giá thành sản phẩm, số lượng dây chuyền tạm ngừng sản xuất, số lượng công nhân mất việc làm hoặc không đảm bảo việc làm…sẽ được tổng hợp và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp đã đem đến bức tranh ảm đạm nhất từ trước đến nay của ngành xây dựng tại Việt Nam.

Một cái nhìn rộng hơn nhưng cũng xám xịt thể hiện qua số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện mới đây với các doanh nghiệp niêm yết. Hơn 65% công ty niêm yết trên HNX có kết quả kinh doanh năm 2011 giảm so với 2010. Số công ty thua lỗ tăng gấp 4,4 lần; tổng lợi nhuận sau thuế giảm gần 21%.

Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, ngay cả những doanh nghiệp có uy tín, tên tuổi giờ cũng ở thế bí. Đầu tuần này, trên công trường một dự án bất động sản, cánh công nhân của nhà thầu Vinaconex 2 kháo nhau, sắp tới có khi lại tạm nghỉ việc vì nhà cung cấp sơn cho dự án này tuyên bố sẽ ngừng cung cấp nguyên liệu nếu nhà thầu không thu xếp trả họ chút tiền.

Khách hàng mua bất động sản giờ còn tránh cả những dự án đã xong móng, bởi có móng rồi, chưa chắc doanh nghiệp đã lên được đến thân, chưa nói cất nóc. Trên nhiều khu đô thị mới, những tòa chung cư đã xây xong thô chỉ có lèo tèo vài công nhân trên công trường bởi tiến độ dự án chậm lại chờ...…tiền. Nhiều chủ đầu tư phải tiếp tục gửi thư xin lỗi khách hàng do khó khăn nên xin hoãn lui thời gian bàn giao căn hộ...

Những cái chết dây chuyền đang bày trước mắt doanh nghiệp. Tìm đâu lối ra là bài toán lớn nhất mà các doanh nghiệp đang chờ đợi Chính phủ sẽ thấu hiểu và hỗ trợ họ giải đáp lúc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Người quan sát
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN