DN Việt thích “thân” với “quan” hơn tự bảo vệ

Các doanh nghiệp (DN) do người Việt quản lý thường có có xu hướng “thân” với quan chức chính quyền hơn là cố gắng tự bảo vệ mình trước những rủi ro.

DN Việt thích mời quan chức “ăn tối”

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012 (PCI) đã chỉ ra rõ điều này. Theo báo cáo, các DN do người Việt quản lý có những chiến lược ứng phó rủi ro rất khác so với các DN nước ngoài thuần túy.

“Họ thường có có xu hướng xây dựng quan hệ và vận động quan chức chính quyền hơn là cố gắng tự bảo vệ mình. Họ coi những mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với mô hình kinh doanh của mình”, báo cáo cho biết.

Đặc biệt, trong việc sử dụng chi phí không chính thức, những DN này tỏ ra thành công hơn những DN nước ngoài.

Báo cáo nêu rõ, có nhiều cách để một DN nước ngoài có quan hệ tốt với Chính phủ nước sở tại và có thể tác động đến chính sách. Tuy nhiên, các DN do người Việt quản lý tham gia vào nhiều hoạt động để xây dựng mối quan hệ với Chính phủ hơn là những DN thuần túy nước ngoài.

DN Việt thích “thân” với “quan” hơn tự bảo vệ - 1
DN do người Việt quản lý thường có có xu hướng “thân” với 'quan' hơn tự bảo vệ (Ảnh minh họa)

Các họat động này gồm: góp vốn với Chính phủ xây dựng các công trình và dịch vụ công; mời các cán bộ Nhà nước ăn tối hoặc giải trí nhằm có thêm thời gian tiếp xúc; sử dụng nhiều hình thức khéo léo để tăng thu nhập ngầm cho cán bộ…

Trong khi tất cả các DN do người Việt quản lý tham gia vào ít nhất 1 hoặc nhiều hơn 1 hoạt động trên, thì 14% DN nước ngoài không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào. Một nửa số DN Việt Nam tham gia vào ít nhất 3 hoạt động với Chính phủ. Trong khi chỉ khoảng ¼ DN thuần túy nước ngoài tham gia vào 3 hoặc nhiều hơn 3 hoạt động.

DN nước ngoài “tự thân vận động”?

Trong khi các DN có người Việt quản lý thường cố gắng xây mối quan hệ với chính quyền để giảm thiểu rủi ro, thì các DN thuần túy nước ngoài lại có xu hướng tự xây dựng phương án bảo vệ mình.

Gần 50% số nhà đầu tư cho biết, liên doanh với DN địa phương được coi là một trong những chiến lược giảm thiểu rủi ro quan trọng nhất. Nếu không thể liên doanh, trước tiên, 25% DN sẽ chỉ giải ngân một phần vốn đầu tư cho đến khi thấy tin tưởng vào chính sách trong nước.

25% DN vận hành chuỗi cung ứng quốc tế đều cho biết có thể tự bảo vệ mình bằng việc sản xuất những bộ phận chính ở nước ngoài và vận chuyển về Việt Nam khi cần. Việc áp dụng phương án này sẽ làm giảm rủi ro trực tiếp, bởi hoạt động của DN tại nước sở tại sẽ vô giá trị nếu thiếu những cấu phần chính này. Như vậy, DN sẽ tránh được rủi ro bị thu hồi đất và thậm chí là rủi ro tham nhũng. Chiến lược đa dạng hóa rủi ro trong chuỗi cung ứng này là một trong những lý do khiến các DN FDI không đầu tư sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều DN nước ngoài sẽ sử dụng bảo hiểm rủi ro mua tại các cơ quan nhà nước tại nước xuất xứ hoặc từ các nhà cung cấp tư nhân.

Khi Chính phủ thực thi một chính sách bất lợi cho DN, DN do người Việt quản lý thường có xu hướng vận động Chính phủ hơn các DN nước ngoài. Ngược lại, DN nước ngoài có xu hướng thích các chiến lược có thể thực hiện độc lập với Chính phủ và các đối tác trong nước.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN