Địa ốc TPHCM sôi động hơn nhờ NH
Trong cơn bão khủng hoảng như hiện nay, khi triển khai dự án, hầu hết các doanh nghiệp đều tính toán việc huy động nguồn vốn ngân hàng. Tảng băng thị trường bất động sản liệu có được tan chảy hay không phần lớn dựa vào cái “bắt tay” của ngân hàng với doanh nghiệp.
Sàng lọc dự án để tập trung …rót vốn
Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất mong chờ nguồn vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, có hai tâm lý doanh nghiệp có thể đặt ra đối với nguồn vốn ngân hàng. Thứ nhất, khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải tính đến chuyện làm sao sử dụng nguồn vốn đó hiệu quả, nếu ko việc trả nợ ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Điều này sẽ làm doanh nghiệp càng lún sâu vào cơn khủng hoảng. Tâm lý thứ 2 là một số doanh nghiệp đã sẵn sàng những dự án đầu tư tốt và họ đang cần nguồn vốn để triển khai. Một số doanh nghiệp này, họ chỉ cần có vốn vào là họ sẽ triển khai và đưa ra các sản phẩm có thanh khoản trên thị trường.
Mặc dù vậy, cũng phải nhận thấy với một thực tế rằng, thị trường BĐS cung đang thừa so với cầu. Hàng loạt dự án vẫn nằm “đắp chiếu” do thiếu vốn. Vì thế, việc sàng lọc các dự án, đào “mồ chôn” những doanh nghiệp yếu kém là phương án được cân nhắc. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn và phát triển thị trường bất động sản, cần rà soát lại các dự án, tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm, dự án lớn và loại bỏ các dự án tràn lan, gây lãng phí đất.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, Chính phủ cần mua lại những khoản nợ xấu để các doanh nghiệp quay lại với chuẩn tín dụng. Những doanh nghiệp nào có khả năng tồn tại và phát triển trong tương lai thì họ có thể vay được tín dụng mới để tiếp tục đầu tư cho kinh doanh, doanh nghiệp nào không có khả năng phục hồi thì phải xử lý phá sản.
Mấy ngày nay, thị trường địa ốc TP.HCM sôi động hẳn lên trước nhiều nhận định cho rằng, các ngân hàng đã bắt đầu bắt tay với các doanh nghiệp BĐS.
Thị trường sôi động nhờ cái…bắt tay
Mấy ngày nay, thị trường địa ốc TP.HCM sôi động hẳn lên trước nhiều nhận định cho rằng, các ngân hàng đã bắt đầu bắt tay với các doanh nghiệp BĐS, vì thế sẽ có nhiều dự án đang dừng hoặc hoãn tiến độ thi công sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư triển khai trong thời gian tới. Hiện nay, tại TP.HCM, tỷ lệ nguồn vốn vay để đầu tư vào bất động sản từ hệ thống ngân hàng chiếm tới 80%, còn huy động từ người mua chỉ chiếm 20%. Điều này, cũng dễ hiểu tại sao các nhà đầu tư BĐS lại mong chờ nguồn vốn từ ngân hàng đến vậy.
Quan sát thị trường BĐS TP.HCM từ đầu tháng 8 đến nay cho thấy, một số dự án quan trọng đã bắt đầu khởi động trở lại sau một khoảng thời gian dài nằm “đắp chiếu”. Một số chủ đầu tư cho biết đã ghi nhận lượng yêu cầu và doanh số bán tăng lần đầu tiên sau nhiều tháng qua. Các chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng, bất kỳ động thái nào của hệ thống ngân hàng thương mại cũng sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản dù trực tiếp hay gián tiếp.
Ông Nguyễn Văn Đực – P.GĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết: Hiện nay, công ty Đất Lành đã bán được khoảng 90% số dự án nên nguồn tiền thu từ phía khách hàng của công ty khá đều đặn, vì thế công ty có thể trang trải một phần chi phí đầu tư lớn trong giai đoạn hoàn thiện. Tất nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đực, công ty địa ốc Đất Lành cũng phải dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng.
Thực tế thị trường, nguồn vốn từ ngân hàng phần lớn vẫn chỉ hỗ trợ cho người mua nhà, từ đó tác động gián tiếp tới thanh khoản dự án. Còn số doanh nghiệp được ngân hàng trực tiếp cho vay vẫn chỉ là con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên trong bối cảnh tính thanh khoản của BĐS đang ngày càng được cải thiện, nhiều doanh nghiệp lạc quan rằng ngân hàng sẽ sớm đưa ra những gói tài chính giải ngân trực tiếp cho các doanh nghiệp, tháo nút thắt về nguồn vốn đang gây nhức nhối cho địa ốc thời gian vừa qua.