Đầu tư công đang "bị rất nhiều bệnh"

"Cần phải cắt giảm quy mô đầu tư công xuống mức thấp nhất có thể, xuống khoảng 10% GDP và trong chừng mực từng đó tiền hãy ngồi lựa chọn ra những dự án tử tế để làm"

Đó là ý kiến của TS. Vũ Đình Ánh tại Diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh diễn ra ngày 24/11 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, đầu tư công bao gồm 3 nguồn: ngân sách nhà nước, vốn vay và doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong giai đoạn đỉnh cao chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, còn trong giai đoạn hiện nay ở mức trên dưới 40%.

Đầu tư công đang "bị rất nhiều bệnh" - 1

Dự án Trung tâm hành chính dự kiến đầu tư 2.200 tỷ của tỉnh Nghệ An đã dừng thực hiện

Thực tế đầu tư công đã giảm nhưng theo TS. Ánh, kết quả này không phải do chúng ta chủ động giảm quy mô, tỷ lệ của khu vực đầu tư nhà nước hay thay đổi vai trò của nhà nước trong đầu tư công mà hoàn toàn chúng ta bị động. Kết quả đầu tư công giảm là do chúng ta… hết tiền.

TS. Vũ Đình Ánh cho biết, đầu tư công vẫn chủ yếu trông cậy vào vốn vay. Cụ thể năm 2010, vốn vay chiếm đến 36,6% và năm 2014 đã tăng lên 42,5% . Trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước lại có xu hướng giảm, năm 2010 chỉ chiếm 20%, và xuống 10% năm 2012 và năm 2014.

Một nguyên nhân nữa là khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tích cực chủ động tăng vốn đầu tư, do đó đẩy tỉ lệ đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước xuống còn 40%.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, mặc dù đã có chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, theo đó, tái cơ cấu đầu tư công tập trung vào cắt giảm đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có thể sớm hoàn thành, giảm tình trạng đầu tư công dàn trải, chậm hoàn thành, nợ xây dựng cơ bản, đội vốn đầu tư so với dự toán… nhưng thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả.

“Sau tượng đài, sau khu hành chính tập trung không biết chúng ta sẽ còn tiếp tục nghĩ ra những cái gì nữa để đầu tư công, trong bối cảnh nguồn lực như thế này”, TS Ánh nhấn mạnh.

Đánh giá vấn đề tái cơ cấu đầu tư công hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một vấn đề vô cùng gai góc. Theo như cách nói ví von của TS. Cung thì “Đầu tư công hiện nay đang có rất nhiều bệnh”.

TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam chưa thực hiện được về mặt bản chất. Việc phân bổ nguồn vốn vẫn theo cơ chế hành chính, thẩm định dự án dễ dàng. Nhiều dự án không có tác động, hiệu quả lớn đến xã hội như các trụ sở hành chính nghìn tỷ trong bối cảnh nền kinh tế thiếu ngân sách, nợ công tăng cao.

Bên cạnh đó, kỷ cương trong đầu tư công chưa được siết chặt. Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dang dở nhưng vẫn khởi công các công trình mới, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ví dụ tại Ninh Bình, tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở với số vốn còn thiếu hơn 9.000 tỷ đồng nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng là nguyên nhân phát sinh nợ đọng.

“Chỉ riêng vấn đề nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản mà Thủ tướng phải ra 5 chỉ thị để đốc thúc chuyện này nhưng thực tế kết quả chuyển biến vẫn rất chậm, điều đó cho thấy kỷ cương trong đầu tư công chưa được coi trọng”, TS. Tú Anh nhấn mạnh.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, cơ cấu lại đầu tư công cần phải gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

"Theo tôi, chúng ta hãy thôi bàn về hiệu quả của đầu tư công vì chúng ta đã bàn triền miên rồi. Chúng ta cần phải cắt giảm quy mô đầu tư công xuống mức thấp nhất có thể, xuống khoảng 10% GDP cho phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế và trong chừng mực từng đó tiền hãy ngồi lựa chọn ra những dự án tử tế để làm", TS. Ánh nói.

Bên cạnh đó, cần phải đổi mới sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp.

Còn TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng kẽ hở lớn nhất trong đầu tư công chính là duy trì cơ quan chủ quản, vừa là cơ quan phê duyệt các dự án đầu tư công, vừa sở hữu các doanh nghiệp thực hiện, vừa là cơ quan giám sát, thẩm tra dự án đó.

Nếu tiếp tục cơ chế này thì nguy cơ trục lợi từ các dự án đầu tư công là rất lớn, chi phí thực hiện dự án sẽ bị đẩy lên cao và cuối cùng sẽ dẫn đến những bất ổn về kinh tế vĩ mô, đẩy nợ công tăng nhanh.

Chính vì thế, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng trong giai đoạn 2016- 2020 cần phải đổi mới tổ chức giám sát và thẩm định đầu tư. Đặc biệt phải xây dựng cơ chế phân bổ vốn nhà nước vay về cho vay lại theo nguyên tắc thị trường, phân bổ cho những dự án có lợi, có khả năng thanh toán, chứ không phải là cơ chế hành chính xin- cho.

“Nếu cứ phân bổ theo kiểu hành chính, lấy về rồi chia mỗi người một gói thì rủi ro về an ninh tiền tệ, nguy cơ vỡ nợ là rất cao”, TS. Tú Anh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN