"Dân ta uống bia tỉnh ta" cản trở phát triển

“Việt Nam hiện có tới 64 nền kinh tế độc lập. 64 nền kinh tế ấy bao gồm 63 nền kinh tế địa phương và một nền kinh tế trung ương”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã nói như thế tại hội thảo quốc tế về liên kết vùng vừa được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Quan niệm và cơ chế “kinh tế tỉnh ta”, theo ông Thiên, là những giới hạn, vật cản khiến kinh tế địa phương không thể bứt phá. Hệ thống tổ chức kinh tế dựa vào địa giới các tỉnh đang gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, nảy sinh việc đua tranh không lành mạnh như “cạnh tranh cùng chết”, “cạnh tranh cùng xuống đáy” và khiến chủ nghĩa thành tích ảo vươn cao hơn bao giờ hết.

Ông Thiên nêu hiện trạng các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, cảng biển, thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách hạ giá địa phương mình gây khó khăn cho tỉnh khác; ngăn sông cấm chợ kiểu “dân ta uống bia tỉnh ta”.

“Từ bỏ những điều này có khó không?”, ông Thiên hỏi và tự trả lời là “rất khó”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương Nguyễn Đình Cung nói cơ chế phân bổ nguồn lực cho 63 nền kinh tế địa phương như hiện nay thiếu động lực để các tỉnh cạnh tranh. “Chúng ta đang phải làm cho thị trường hơn, song thị trường đó phải là thị trường cạnh canh chứ không phải một loại thị trường méo mó như hiện nay”. Lấy ví dụ về nguồn lực đất đai và vốn, ông Cung cho rằng: Nhà nước đang làm sai lệch tín hiệu về thị trường và điều này tạo nên sự sai lệch trong nền kinh tế.

Để khắc phục điều này, theo ông Cung, cần phải có những nghị định về việc phân vùng kinh tế với việc tăng thẩm quyền cho một số chức năng kinh tế. Đồng thời phải có ràng buộc pháp lý cho cả cấp địa phương và cấp vùng.

Còn TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nói thẳng: “Cấp tỉnh hiện đang có quyền to quá nên khi xây dựng thể chế vùng, đặt lợi ích kinh tế vùng lên trên lợi ích tỉnh là không hề đơn giản. Giải bài toán này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phải đối đầu với rất nhiều sức ỳ”.

Ông Lược khuyến nghị cần xây dựng luật về vùng và liên kết vùng. Khi luật được Quốc hội thông qua sẽ có được thể chế vùng. Đây là vấn đề hệ trọng với sự phát triển của đất nước.

Còn ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng phải sớm khắc phục tình trạng 63 tỉnh là 63 nền kinh tế, phải tính tới lợi ích vùng chứ không phải lợi ích cục bộ. “Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, chưa có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng còn rất yếu” - ông Huệ nhận xét. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN