Công ty 'con-cháu-chắt' đang cản bước tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày 1/11, thảo luận tại hội trường về tình hình tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhấn mạnh: Việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu, thậm chí có công ty chắt đã làm chậm quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Phải cắt đuôi nhóm lợi ích

Thảo luận về tình hình tái cơ cấu kinh tế thời gian qua, các ĐB cho rằng, kết quả bước đầu đạt là do sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, các ĐB cũng tập trung phân tích những hạn chế, kiến nghị bổ sung những giải pháp để quá trình tái cơ cấu DNNN đáp ứng yêu cầu đặt ra.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận xét, tiến độ tái cơ cấu DNNN chậm so với yêu cầu, chưa chuyển biến mang tính đột phá. “Mặc dù trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh từ 12.000 xuống còn 1.000 doanh nghiệp, nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu, thậm chí có công ty chắt đã làm cho tỷ trọng doanh nghiệp trong GDP vẫn ở mức độ cao, chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu, kết quả thoái vốn chưa đạt yêu cầu” - ĐB Khá phân tích.

Công ty 'con-cháu-chắt' đang cản bước tái cơ cấu nền kinh tế - 1

Đại biểu Thân Đức Nam

Mặt khác, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chủ yếu là gia công lắp ráp, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước lắp ráp một chiếc ô tô thì tỷ lệ nội địa chiếm khoảng 40%, nhưng nay chỉ còn khoảng 10%. Nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, Bên cạnh đó một bộ phận người đứng đầu của cơ quan chức năng và doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.

“Tôi đề nghị lập một bộ ngang bộ để thực hiện chủ sở hữu đối với DNNN, còn chính quyền địa phương chỉ quản lý các doanh nghiệp công ích phục vụ cho ích lợi của địa phương”.

ĐB Thân Đức Nam

Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đề án tái cơ cấu, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, từ đó tránh dựa giẫm, chủ quan, ỷ lại, xin cho. Cần tinh giảm biên chế, khắc phục bộ máy cồng kềnh, thừa thầy, thiếu thợ nhưng muốn giảm biên chế thì cũng không xong, vì đụng đến con anh A, cháu chị B.

“Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích, nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ sử dụng vốn. Phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn tăng tính chủ động tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn nhà nước phải là ông chủ thực sự khác với ông chủ hờ, thụ động chờ đợi đi xin kế hoạch, xin vốn và xin cả biên chế” - ĐB Khá kiến nghị.

Thành lập bộ quản lý DNNN?

Chỉ rõ tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tổng thể nền kinh tế còn quá chậm, Phó Chủ nhiệm VPQH Thân Đức Nam (ĐB Đà Nẵng) cho rằng: Để chuyển đổi một nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, chuyển mô hình tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư sang mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất tổng hợp là nhiệm vụ lâu dài, không thể thực hiện trong vài năm.

Tuy nhiên, cho đến nay chỉ còn 1 năm nữa là hết kế hoạch 5 năm, mục tiêu tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế như nghị quyết Quốc hội chưa thấy được rõ nét. ĐB Nam kiến nghị, nhà nước nên thoái hết 100% vốn tại các DNNN nhưng cần làm theo lộ trình thoái vốn dần dần. Đồng thời, phải xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với các DNNN còn lại sau khi cổ phần hóa. Nhà nước dứt khoát không còn chủ quản bất cứ DNNN nào, mà chỉ quản lý theo chức năng của mình.

“Tôi đề nghị lập một bộ ngang bộ để thực hiện chủ sở hữu đối với DNNN, còn chính quyền địa phương chỉ quản lý các doanh nghiệp công ích phục vụ cho ích lợi của địa phương” – ĐB Thân Đức Nam đề nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuấn (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN