Công dân nước nào "sướng" nhất thế giới?
Nếu một đứa trẻ sinh ra tại một quốc gia giàu có thì sẽ có cơ hội hưởng thụ một cuộc sống mạnh khỏe, lâu dài cùng các cơ hội kinh tế nhiều hơn so với những em bé sinh ra ở các nước nghèo đói hay trong tình trạng xung đột.
Tuy nhiên, việc xác định số lượng các giá trị quốc tịch của một người so với người khác là một công việc hết sức phức tạp. Số lượng quốc gia mà một người được phép đi tới hay sinh sống mà không bị cản trở về thủ tục hành chính có thể là một yếu tố, song tình hình ở quốc gia mà người đó được phép đến cũng quan trọng không kém. Ví dụ như, các công dân Nga có thể đi tới hơn 100 quốc gia mà không cần xin visa, nhưng không một nước nào trong số đó được xem là nước giàu có, phát triển.
Tương tự, quy mô nền kinh tế có thể là một nhân tố lớn nhưng nếu không tính đến các cơ hội định cư ở những nơi khác. Người dân Mỹ được hưởng lợi khi sống trong nền kinh tế lớn nhất thế giới, song họ chỉ có thể định cư ở một vài nền kinh tế nhỏ hơn.
Bảng xếp hạng chỉ số quốc tịch của các nước trên thế giới năm 2015. Nguồn: Henley & Partners
Mới đây, công ty tư vấn Henley & Partners đã công bố “Chỉ số chất lượng quốc tịch” (QNI), theo đó phân loại giá trị của tư cách công dân thế giới trên hai phương diện chính: một người dân sống ở một quốc gia nào đó (những giá trị trong nước) và khả năng người đó có thể sống hoặc làm việc ở một nước khác (những giá trị bên ngoài).
Các giá trị trong nước là sự kết hợp giữa yếu tố kinh tế quốc gia, số điểm trong bảng chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc và sự hòa bình cũng như ổn định của quốc gia này. Các giá trị bên ngoài bao gồm số lượng quốc gia mà công dân này có thể đi du lịch hoặc tới định cư, và cân nhắc đến sức mạnh kinh tế cũng như ổn định của các nước đó.
Trong năm 2015, tất cả các vị trí trong top 30 quốc tịch giá trị nhất đều thuộc về châu Âu, nhờ có các yếu tố như sự hợp nhất về kinh tế và quyền tự do di chuyển cũng như làm việc. Vị trí đứng đầu của nước Đức phản ánh mức độ ổn định, sức mạnh kinh tế và khả năng đi du lịch và làm việc ở các nền kinh tế mạnh khác trên thế giới của công dân nước này.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đứng sau Liên minh châu Âu vì hai lý do: điểm số hòa bình thấp do kho vũ khí hạt nhân và sự liên quan của nước này đến các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới; ngoài ra Mỹ cũng có điểm số thấp về mức độ tự do định cư.
Với việc nước Anh chuẩn bị trưng cầu dân ý trước quyết định có rời khỏi EU hay không, chuyên gia của QNI, ông Dimitry Kochenov dự báo, Vương quốc Anh có thể tụt từ vị trí thứ 11 xuống vị trí 30 trong bảng xếp hạng này, đứng sau Nhật Bản.
Theo bảng xếp hạng QNI, năm 2015, Việt Nam đạt số điểm là 24%, đứng thứ 120 trên tổng số 161 quốc gia được xếp hạng. Thứ tự này trùng với năm 2013, tuy nhiên lại tụt 5 hạng so với năm 2014. Theo công bố trước đó, người dân Việt Nam có thể đi tới 48 quốc gia mà không cần xin visa. Trong khi đó, những người “láng giềng” của Việt Nam như Trung Quốc, xếp thứ 60, Thái Lan xếp thứ 101, Lào thứ 126, Campuchia thứ 131.
Top dẫn đầu gồm các quốc gia châu Âu như Đức số 1, tiếp theo là Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Iceland và Thụy Điển trong top 5. Năm quốc gia đứng cuối cùng bao gồm Sudan, Eritrea, Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan và xếp thứ 161 là Cộng hòa Dân chủ Congo.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin của The Economist, đây là một ấn bản tin tức và các vấn đề quốc tế bằng tiếng Anh được phát hành hàng tuần, The Economist được sở hữu bởi The Economist Newspaper Ltd, thành lập năm 1843. Ấn bản này dành sự ủng hộ cho thương mại tự do, toàn cầu hóa, sức mạnh của chính phủ và chi tiêu cho giáo dục.