Cổ phiếu ngân hàng: Hết thời tăng ầm ầm?

Bất chấp nhiều thông tin 3 ngân hàng bị “quốc hữu hóa” do mất hết vốn và cảnh báo về nợ xấu, từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn giữ tốc độ tăng mạnh. Liệu ngôi vị này có còn giữ được khi mà tới đây, có nhiều dự đoán cho rằng sẽ còn nhiều nhóm cổ phiếu hấp dẫn hơn.

Rủ nhau phi mã

Trước khi diễn ra Ngày thứ hai đen tối (24/8) khiến nhóm cổ phiếu này cùng với nhiều cổ phiếu khác bước vào đợt suy giảm mạnh, thì thống kê cho thấy 4 mã trong số 8 ngân hàng niêm yết là VCB (Vietcombank), BID (BIDV), MBB (MB), CTG (Vietinbank) đã tăng bình quân gần 49% trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể BID mang đến bất ngờ cho nhà đầu tư khi tăng từ mức chỉ có 12.700 đồng/cổ phiếu, lên mức đỉnh 27.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/7. Có lẽ nhà đầu tư không thể tưởng tượng được “gã khổng lồ” có vốn hóa lớn và đang nằm trong một ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ lại tăng gấp hơn 2 lần chỉ trong vòng nửa năm.

Gây ngạc nhiên tiếp theo là cổ phiếu VCB với mức phi mã từ 30.000 đồng/cổ phiếu đầu năm vọt lên mức cao nhất đạt 55.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 7/2015. Giá trị cổ phiếu tăng đã giúp VCB trở thành “trùm” vốn hóa lớn nhất trên sàn niêm yết với tổng giá trị tính vào thời điểm này tới hơn 6 tỷ USD. Việc VCB là một ngân hàng tốt là điều không thể phủ nhận nhưng với mức tăng gần gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn quả ngoài sức tưởng tượng của nhiều người .

Cũng như vậy, Vietinbank với mã cổ phiếu CTG tăng rất mạnh tới hơn 70% trong thời gian qua; ngân hàng MB (mã CK: MBB) và ngân hàng ACB (mã CK: ACB) đều tăng lần lượt là 22% và 55% kể từ đầu năm đến trung tuần tháng 7.

Tuy nhiên, “niềm vui” không phải phủ dầy lên tất cả. Khi không ít cổ đông của những ngân hàng tiềm ẩn biến động mạnh phải ngậm ngùi nhìn cổ phiếu của mình vật lộn trên thị trường. Đơn cử như cổ phiếu EIB của Eximbank thời gian qua gặp không ít sóng gió bởi vô khối tin đồn; hoặc cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank bị các công ty chứng khoán đánh giá kém lạc quan hơn sau quyết định sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southerbank) vào. Nhiều ý kiến cho rằng Sacombank sẽ phải chịu gánh nặng về nợ xấu của Southerbank. Vì vậy cổ phiếu STB từng được thị trường ưa chuộng giờ đây đã nguội lạnh và bị rớt lại sau bữa tiệc tăng giá.

Còn hay hết dư địa?

Cổ phiếu ngân hàng: Hết thời tăng ầm ầm? - 1

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, sau biến động lớn vừa qua, trong tháng 9 này, nhóm cổ phiếu kỳ vọng tăng trưởng ổn định và ít chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường sẽ là nhóm chứng khoán và những cổ phiếu đầu ngành các lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng và công nghệ. Nhóm ngành ngân hàng có thể sẽ không tăng trưởng nhanh như thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục giữ ổn định và là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chung của thị trường. Ngoài ra, vào quý III là giai đoạn tăng vốn của nhiều doanh nghiệp, vì vậy, sẽ có những cơn sóng lớn liên quan đến những doanh nghiệp này.

Hiện nhiều phân tích cho thấy sau một thời gian tăng giá quá mạnh dường như giá của các cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều nội lực. Với VCB thì P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) khoảng gần 3 lần, hiện là mức cao đối với ngành ngân hàng. BIDV thì đối mặt với tỷ lệ pha loãng đáng kể khi có nhu cầu tăng vốn cao. Còn Vietinbank cũng khó còn dư địa và nhà đầu tư cần lưu ý bởi mức trích lập dự phòng hiện thấp và còn nhiều tài sản có vấn đề từ trước đây để lại.

Một nguy cơ đối với các cổ phiếu ngân hàng khác là “bọc nợ xấu” vẫn còn đang treo lơ lửng. Chưa kể sự kiện 3 ngân hàng mất hoàn toàn vốn khiến Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng trong khi trước đó các con số báo cáo vẫn không đến nỗi quá xấu khiến giới đầu tư trên sàn phải ít nhiều e ngại.

Nới room ngân hàng còn phải chờ

Nghị định 60 về nới room đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09. Tuy vậy, dòng tiền khối nội và khối ngoại tỏ ra khá thờ ơ. Ngay tại nhóm cổ phiếu chứng khoán - nhóm ngành đầu tiên được thông qua nới room tối đa lên 100% giao dịch cũng diễn ra ảm đạm. Theo đề xuất mới nhất của VietinBank, vốn nhà nước tại đây sẽ giảm dần theo lộ trình, nhưng vẫn sở hữu trên 51% để đảm bảo quyền chi phối. Đại diện một số tổ chức nhận xét đề xuất của VietinBank hợp lý, nhưng xem ra khó khả thi ít nhất trong năm nay. Nới room lên trên mức quy định hiện hành cho đến giờ vẫn chưa có ngoại lệ nào kể cả với các tổ chức tín dụng cổ phần. Với những ngân hàng thuộc tốp 4 như VietinBank, BIDV, Vietcombank nới room lại càng phải tính toán nhiều phía.    

KH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Lam (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN