Cổ phiếu "đại gia" rớt hạng

Có nhiều lý do khiến niềm tin của TTCK bị suy giảm thời gian qua, trong đó, nhiều CP kém chất lượng vẫn được niêm yết là nguyên nhân đáng lo ngại. Để lấy lại niềm tin của thị trường, nên mạnh tay loại bỏ hàng hóa kém chất lượng.

“Đại gia” rớt hạng

HSX vừa công bố danh sách rổ VN30 và tỷ lệ free float (tính bằng số CP tự do giao dịch trên tổng số CP đang lưu hành) của các CP thành phần kỳ 2 năm 2012. Theo kết quả review, thành phần của chỉ số VN30 đã có 4 sự thay đổi. Trong đó, nổi bật nhất là CP mã QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai đã bị loại ra khỏi danh sách những CP thuộc dạng “hàng đầu” trên sàn HSX.

Hiện tại, trên HSX, CP mã QCG đang là 1 trong 22 CP thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ năm 2011 âm. Cụ thể, hồi tháng 4, CP mã QCG bị HSX đưa vào diện cảnh báo do kết thúc năm 2011, cổ đông Cty mẹ bị lỗ hơn 30,7 tỉ đồng. Trong kỳ xem xét hồi tháng 3 của FTSE Vietnam Index, một trong 2 quỹ đầu tư chỉ số lớn nhất trên TTCK, QCG cũng đã loại ra khỏi danh mục đầu tư của quỹ này. QCG cũng là CP duy nhất trong số các CP thuộc VN30 kỳ 1 (2012) có thị giá dưới 10.000đ/CP. Với lượng hàng tồn kho tính tới cuối quý I/2012 là 3.350 tỉ đồng (chiếm 61% tài sàn), khối nợ ngắn hạn lên tới gần 2.000 tỉ đồng và dư tiền mặt cực thấp (gần 10 tỉ đồng), QCG đang đối diện với nguy cơ mất thanh khoản, đặc biệt sau khi 70% trong tổng số 195 tỉ đồng trái phiếu không được các trái chủ đồng ý chuyển đổi sang CP hồi cuối tháng 5. QCG lỗ 3,84 tỉ đồng trong quý I/2012 và gần 40 tỉ trong năm 2011.

CP đáng lưu ý tiếp theo bị đánh rớt hạng trong đợt đánh giá lại này của VN30 là SJS. Cũng như QCG, ngày 13.4, HSX đã đưa SJS vào diện cảnh báo do năm 2011 cổ đông Cty mẹ lỗ 46,2 tỉ đồng. Không chỉ có nhiều "lùm xùm" quanh vấn đề nhân sự, tình hình tài chính của SJS theo như đánh gia của Ban kiểm soát là "gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng" và việc sử dụng sai mục đích vốn sẽ dẫn tới tiềm ẩn Cty không cân đối được các nguồn trả nợ, khả năng thanh toán không được đảm bảo. Ngoài ra, do không cung cấp đủ các tài liệu cần thiết nên SJS cũng không được HSX xếp loại phân ngành DN năm 2011.

Thanh khoản của CP là một trong những yếu tố quan trọng nhất của NĐT khi xem xét mua bán CP. Trong số 4 CP bị loại bỏ, HVG , SJS và KDH đều có thanh khoản rất thấp. Trung bình 10 phiên gần nhất, 3 CP này chỉ khớp lệnh bình quân 40-80 nghìn đơn vị/phiên.

Cổ phiếu "đại gia" rớt hạng - 1

Nhiều NĐT cho rằng, rủi ro mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên TTCK là rất đáng kể đối với họ. (Ảnh minh họa).

Những cái tên biến mất

Ngày 12.7 vừa qua là ngày đánh dấu sự biến mất của một CP đại gia trên sàn CK, đó là CP của CTCP Hóa Dược phẩm Mekophar (MKD). Đây là một CP hiện đang được xếp vào dòng “đại gia”, bởi nó có mệnh giá khá cao so với mặt bằng chung của thị trường (45.000đ/CP). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng từ diễn biến xấu của kênh đầu tư này mà CP MKP cũng liên tục trồi sụt, tăng, giảm thất thường. Và khi thanh khoản CP MKP vốn chỉ còn vài ngàn CP/phiên, sau hủy niêm yết sẽ càng yếu hơn. Sàn HSX cũng đã chứng kiến sự ra đi của khá nhiều CP niêm yết vốn một thời vang bóng như CAD, BAS. Tuy nhiên, đa số các CP này đều có mệnh giá siêu thấp, chỉ trên dưới 1.000đ/CP. Nguyên nhân chủ yếu là do thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

Vào cuối tháng 5, cái tên VSP đã biến mất khỏi sàn HNX với sự tiếc nuối của rất nhiều NĐT - những người trước đây đã trực tiếp hoặc gián tiếp coi VSP như một “tàu tốc hành” của sàn HNX. Năm 2008, VSP đã trở thành hiện tượng khi tăng từ 20.000đ/CP lên 240.000đ/CP vào ngày 28.8.2008. Lên như diều gặp gió nhưng chỉ sau đó 1 năm, VSP lại trở về đúng vạch xuất phát và ngày càng thảm hại khi rời sàn với mức giá 1.800đ/CP. Danh sách những CP “biến mất” khỏi thị trường sẽ ngày một dài ra khi những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô chưa thực sự được giải quyết triệt để. Trong số những Cty niêm yết trên hai sàn, danh sách các Cty lỗ 2 năm liên tiếp có cả những cái tên đình đám nhưng CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Hải Phòng (HPC), CTCK Sao Việt (SVS), Ximăng Sông Đà (SCC), Viễn thông Thăng Long (TLC), VES, VMG, VSG...

Vẫn chờ chuẩn niêm yết mới

Có nhiều lý do khiến niềm tin của thị trường bị suy giảm thời gian qua, trong đó, nhiều CP kém chất lượng vẫn được niêm yết là nguyên nhân đáng lo ngại. Nhiều NĐT cho rằng, rủi ro mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên TTCK là rất đáng kể đối với họ. Bởi vậy, cần tăng cường các biện pháp thanh lọc CP niêm yết kém chất lượng trên sàn HNX và HSX. Cùng với quá trình lọc các DN đang niêm yết kém chất lượng, cần khẩn trương có quy định nâng chuẩn niêm yết để giảm thiểu rủi ro cho NĐT. Tuy nhiên, sau khi đề án tái cấu trúc các CTCK được thông qua, đến nay việc nâng chất CP trên sàn vẫn chưa được khởi động. Trong đề án tái cấu trúc kênh CK cũng đã có đề cập việc nâng chuẩn niêm yết hàng hóa trên sàn. Đề án đã có, giờ chỉ còn cách làm và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, với TTCK đang xấu thế này, giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ còn 500-800 tỉ đồng so với mức trung bình 2.000 tỉ đồng lúc trước thì việc tái cơ cấu hàng hóa trên sàn chắc sẽ chậm lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Miêu (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN