“Có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu”

Kiên trì quan điểm cho rằng tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng “hiện nay có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu”.

Là người đầu tiên đăng đàn tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 do Ủy ban Kinh tế tổ chức trong hai ngày 5 và 6/4 tại Nha Trang, song bản tham luận của ông Thiện về tình hình kinh tế vĩ mô 2013 và triển vọng 2013 lại được hoàn thành muộn nhất.

Xin lỗi về điều này, ông Thiên giải thích là do vài suy nghĩ về luận điểm giải pháp chưa xong. Tuy nhiên, phần trình bày của ông vẫn khá ấn tượng, cũng không gây nhiều tranh cãi như một số diễn đàn khác.

Nhận diện tổng quát, Viện trưởng Thiên cho rằng không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Theo phát hiện của ông Thiên thì, trong các bài viết, bài nói về kinh tế trên các diễn đàn, hai từ được dùng với tần số cao nhất là “nghiêm trọng” và “quyết liệt” - dù khác nhau về nội dung diễn đạt, hóa ra chỉ phản ánh duy nhất một điều: tình thế khó khăn hơn của nền kinh tế, đến độ gay gắt mà chưa hề phản ánh tính chất quyết liệt của hành động cải cách thực tế.

“Có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu” - 1

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

Bởi vậy, vị diễn giả này rất mong muốn có sự bàn thảo để tìm câu trả lời cho câu hỏi cải cách trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn, thậm chí, có nguy cơ khủng hoảng, ở Việt Nam thực sự có nghĩa là gì? Tại sao suốt mấy năm trời, đã không có một nỗ lực cải cách thực sự nào được thực thi? Phải chăng động lực và năng lực cải cách của nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng?

Nhắc lại phát biểu của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vừa qua là có những món nợ không phải xấu mà quá xấu, không thể đòi được, ông Thiên ngạc nhiên khi “chưa thấy hồi đáp gì cả”.

Việc không biết chính xác số nợ xấu, theo ông Thiên, còn xấu hơn cả nợ xấu, bởi không có số liệu đáng tin cậy thì không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề.

Vẫn xấu hơn cả nợ xấu, theo ông Thiên đó là quá nhiều doanh nghiệp - lực lượng chủ lực của tăng trưởng - đã “chết”. Hiện tượng số doanh nghiệp đóng cửa của quý một năm nay ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới được ông Thiên cho là sự kiện mang tính lịch sử. Bởi chênh lệch của hai số liệu này thường ở khoảng 10 nghìn, nghiêng về số doanh nghiệp mới.

Còn nhiều thứ khác, theo Viện trưởng Thiên xấu hơn hoặc ít nhất cũng xấu bằng nợ xấu, trong đó có tồn kho bất động sản - một khái niệm mới.

Đồng tình với nhận định về tình hình kinh tế 2013, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng sự đáng ngờ của các con số dẫn đến suy giảm lòng tin là điều khá gay go trong bối cảnh hiện nay.

Hiện tượng số lượng doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động tăng báo hiệu một tình huống mới theo chiều hướng xấu trong nền kinh tế, đặc biệt ở khía cạnh kinh nghiệm ứng phó trong chính sách, ông Thắng quan ngại.

Niềm tin vào triển vọng của môi trường đầu tư kinh doanh bị suy giảm là điều đáng lo ngại hơn cả, bởi lẽ sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều năm tiếp theo nếu các nhà đầu tư không lấy lại được động lực hoạt động kinh doanh, Viện trưởng Thắng nhấn mạnh.

Với TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì câu chuyện quan trọng nhất năm 2013 là lãi suất với nghệ thuật điều hành để không rơi vào bẫy suy giảm tín dụng.

Dù nhấn mạnh yếu tố nào thì các ý kiến thảo luận đều chưa mấy tin tưởng vào kết quả cuối cùng của mục tiêu tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn của năm 2013. Và, các khuyến nghị chính sách đều không chỉ nhằm giải quyết tình thế trước mắt.

Viện trưởng Trần Đình Thiên nhắc lại đề nghị Chính phủ tập trung ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, không nên ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách.

Có thể đi vay (nước ngoài) để trả nợ doanh nghiệp vì lợi ích thu được là rất lớn, giải tỏa một phần đáng kể nợ xấu, kích hoạt quá trình phá “cục máu đông”, khôi phục lòng tin doanh nghiệp, ông Thiên phân tích.

“Việc tìm kiếm các giải pháp để cùng đồng thời thoả mãn cả mục tiêu trước mắt lẫn mục tiêu lâu dài thật không dễ. Cho nên, về nguyên tắc, nên đứng trên quan điểm đại cục, dài hạn để giải quyết vấn đề”, TS. Bùi Tất Thắng phát biểu.

Cho rằng những vấn đề đặt ra cho nền kinh tế còn rất lớn, “rất mênh mông”, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trong lời phát biểu khai mạc đã bày tỏ kỳ vọng các giải pháp hiệu quả hơn sẽ được đưa ra từ lực lượng chuyên gia hùng hậu tham dự diễn đàn, với nhiều tham luận được nhận xét là chuẩn bị rất sâu sắc. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Thảo (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN