CK, BĐS: “Trâu chậm uống nước trong”
Tình cảnh “trâu chậm uống nước trong” diễn ra trên cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Nửa cuối tháng 8, thị trường chứng khoán (TTCK) sụt liền 3 phiên khiến không ít người lo lắng. Nhưng rất nhanh chóng sau đó thị trường đã khởi sắc khi ngày 24/8, hai sàn đồng loạt bật tăng mạnh mẽ. Cổ phiếu 2 sàn đang từ tái xám giá sàn chuyển lên xanh đồng loạt và khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Phần thưởng cho sự bình tĩnh
Khối lượng tăng cùng chỉ số, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đang bật lên. Hàng loạt nhà đầu tư sau khi kiên nhẫn chờ đợi giảm giá cảm thấy không thể đợi thêm được nữa, lao ra bắt đáy nhiệt tình. Những người bảo thủ hơn cảm thấy chưa yên tâm để mua song cũng trải qua 2 ngày cuối tuần có gì như tiếc nuối.
Những gì diễn ra trong tuần cho thấy, những nhà đầu tư này quả là những con "trâu chậm", đang có cơ hội "uống nước trong".
Tình cảnh "trâu chậm uống nước trong" cũng đang diễn ra với thị trường bất động sản. Thị trường này đã đóng băng vài năm nay và bắt đầu phong trào giảm giá đồng loạt gần cả năm nay. Thời gian và mức giá giảm kéo dài, cộng với lời tiên đoán hết giảm của... những ông chủ dự án, khiến không ít người lao ra bắt đáy nhà đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá nhà vẫn cứ giảm đều đặn, dù không sụt mạnh ở một thời điểm nhất định nào.
Cả hai thị trường đang vướng vào thách thức lớn nhất là sự chờ đợi ngày càng kiên nhẫn hơn và đòi hỏi niềm tin vững vàng hơn.
Những người mua cổ phiếu để sở hữu công ty, để sáp nhập hay để tính chuyện lâu dài 5-10 năm có thể yên tâm mua. Nhịp tim của họ không bị rung động theo từng nhịp biến động của sàn chứng khoán mà hướng về nhịp tăng trưởng lợi nhuận của DN trong tương lai dài hơn. Những người mua nhà để ở cũng vậy. Cái cốt yếu là an cư để lạc nghiệp phải đạt được, họ sẵn sàng mua với mức giá mà túi tiền cho phép và thời điểm mà họ cho là hợp lý, để sau đó không lăn tăn nhiều về việc tăng giảm của những dự án nhà đất xa xôi nào đó nữa.
Tình cảnh “trâu chậm uống nước trong” diễn ra trên cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Nhưng những nhà đầu tư và đặc biệt là đầu cơ lại khác. Thành phần chính góp phần lớn tạo sự sôi động trên 2 thị trường này ngày càng tỏ ra ngán ngẩm, mất niềm tin. Nhưng họ vẫn có thể làm "những con trâu chậm" và có cơ sở để kỳ vọng của họ trở thành hiện thực.
Trước hết, các chuyên gia và cả những người trong ngành bất động sản đều đánh giá, thị trường này chưa thể sớm phục hồi. Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, dự báo: "Trong 2 năm tới, có đến 90% công ty chứng khoán sẽ phải đóng cửa và rất nhiều công ty bất động sản bị phá sản".
Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa, còn chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình: "Tôi đã thử ưu đãi lãi suất 12% một năm từ tháng 4, thậm chí giảm giá để kích cầu từ tháng 6 nhưng hiệu quả rất thấp. Lãi suất chưa đủ lực cứu địa ốc trong thời điểm này và cơ hội phục hồi trong năm nay gần như bất khả thi".
May mắn đến với người bản lĩnh
Trong khi đó, các chủ đầu tư đang tìm mọi cách bán hàng, càng sớm càng tốt. Bất chấp tâm lý né giao dịch nhà đất tháng 7 Âm lịch thường thấy lâu nay tại Việt Nam, nhiều DN vẫn ồ ạt giảm giá, khuyến mãi, mở bán sản phẩm.
Công ty Địa ốc Khang Gia mở bán chung cư Khang Gia tại quận Gò Vấp vào ngày 25/8, nhằm ngày 9/7 Âm lịch. Cùng thời điểm, cả chục dự án được chào bán, từ HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, Nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza cho tới Sealinks, Everrich, Carillon. Bất chấp cả tháng bị xem là đại kỵ trong năm cho thấy người bán bất động sản đang tỏ ra hết sức nôn nóng. Trên 2 thị trường tài sản này, quy luật là người bán càng nôn nóng thì người mua càng nhởn nhơ chờ đợi, vì họ biết, khi chịu sức ép bán hàng như vậy, sớm muộn giá sẽ giảm bớt, dù ít hay nhiều.
Cũng chịu sức ép, nhưng theo một cách khác, là các chủ dự án cũng như chủ nhà đất đang cầm cố để vay ngân hàng, nay đang đứng trước áp lực trả lại tiền cho ngân hàng. Có thể dễ dàng đọc thấy những dòng rao bán rất thạt tình trên các tờ báo mua bán: "Cần tiền trả ngân hàng, bán gấp nhà quận 7", "Bán gấp nhà giá rẻ để trả nợ"... Người mua dễ dàng đọc được và cũng dễ dàng biết phải làm gì: cố chần chừ càng lâu càng tốt, bởi họ và người bán đang chơi trận bóng mà phần thắng nghiêng về người mua trong khi thời gian không ủng hộ người bán.
Thêm vào đó, một loạt nhà đầu tư thứ cấp gần đây lại rao bán những căn hộ, biệt thự, đát nền do mình đầu cơ với giá còn rẻ hơn giá gốc của chủ đầu tư dự án. Những người mua nhanh chân phải cắn răng cắt lỗ là bài học nhãn tiền khiến những người sắp mua càng thêm chần chừ, phân vân, chờ đợi.
Một cơ sở nữa để người mua càng yên tâm không vội vã là ngày càng có nhiều lựa chọn mới cho họ. Càng về sau, lựa chọn mới càng được chủ đầu tư đưa ra sát với tâm nguyện của người dùng hay của nhà đầu tư, đầu cơ hơn, trên cơ sở tìm hiểu và thích ứng thật. Khi có nhiều lựa chọn, người ta càng mất thời gian xem xét hơn. Và khi hứa hẹn còn nhiều lựa chọn mới, ngày càng phù hơn hơn với mình, không ai phải vội vã. Trượt cơ hội này đã có cơ hội khác còn ngon ăn hơn. Đâu phải chỉ có một vài nơi mới có "giá mềm, giãn tiến độ thanh toán tối đa, giao nhà ngay hoặc sớm, chủ đầu tư uy tín"..