Chuyện đột phá, “xé rào” của “đầu tàu kinh tế”
Sau 41 năm giải phóng, TP.HCM luôn là đầu tàu của nền kinh tế với nhiều chính sách đột phá, thậm chí “xé rào”.
PGS-TS. Trần Hoàng Ngân
Sau 41 năm giải phóng, TP.HCM vẫn luôn là đầu tàu của nền kinh tế với nhiều chính sách đột phá, thậm chí “xé rào”. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia).
Thưa ông, sau năm 1975, trong thời kỳ bao cấp, TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn, thiếu hàng hóa và lương thực. Theo ông, những chính sách quan trọng nào của lãnh đạo TP thời kỳ đó đã giúp TP vượt khó, tạo tiền đề cho sự đổi mới sau này?
Những đóng góp đổi mới đầu tiên của TP.HCM là những bước“xé rào”, dám thí điểm trước đổi mới. TP.HCM đã đóng góp cho việc hình thành một nền sản xuất hàng hóa ngay trong lòng TP và sau đó được thừa nhận. Đảng bộ, chính quyền TP.HCM và người dân với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đã “bung ra” sản xuất, thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế bao cấp. Những năm thiếu đói, TP đã mạnh dạn lập Tổ thu mua lương thực, tiền thân của Công ty Lương thực TP, về các tỉnh miền Tây thu mua lúa gạo, đổi hàng hóa lấy lúa gạo. Việc làm này được xem như “buôn lậu” nhưng đã giúp cung ứng lương thực, cứu đói cho hàng triệu dân TP.
Vào lúc đó, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, ách tắc. TP.HCM đã chủ động “đỡ đầu” cho một số đơn vị, DN thực hiện “kế hoạch B”, mà thực chất là tự tìm kiếm nguồn vật tư nguyên liệu, tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. TP mạnh dạn tạo điều kiện cho DN vay ngoại tệ, nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất nhập khẩu để tự cân đối, tích lãi, tái đầu tư… Hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến xuất hiện như Công ty bột giặt miền Nam (Viso), Xí nghiệp thuốc lá, Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt Thành Công, Dệt Phước Long, Dệt Thắng Lợi, Dệt Phong Phú... Các DN này đã kịp thời bổ sung hàng hóa, cải tiến thị trường, đóng góp tích cực đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhờ đó, trong giai đoạn từ năm 1981-1985, kinh tế của TP đã có bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4,58% một năm, cao hơn nhiều so với con số 0,91% trong giai đoạn 1976-1980.
Sở GDCK TP HCM là nơi có số lượng cổ phiếu và vốn hóa cao nhất cả nước
Từ khi đổi mới đến nay, TP đã có những đột phá nào được đánh giá là táo bạo, đi trước, về sau trở thành chính sách đổi mới chung cho cả nước?
TP.HCM là nơi có nhiều ý tưởng mô hình kinh tế, được thí điểm thành công và sau đó nhân rộng cả nước. Điển hình như thí điểm thành công việc hình thành khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung. Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 1991, tiếp đến là khu chế xuất Linh Trung được thành lập vào năm 1992.
TP.HCM là nơi đầu tiên tổ chức sắp xếp lại hệ thống DN Nhà nước và cổ phần hóa DN Nhà nước, thực hiện thí điểm từ năm 1992. Công ty Cổ phần cơ điện lạnh (REE) là công ty được cổ phần hóa đầu tiên tại VN vào năm 1993. Đến năm 1996, cổ phần hóa DN Nhà nước đã trở thành chương trình chung của Chính phủ.
"TP.HCM luôn là địa phương đi đầu và đột phá trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, có sức thu hút và sức lan toả lớn trong khu vực, có vị trí chính trị quan trọng và xứng đáng là đầu tàu kinh tế. Tôi xin nêu ra một số điểm nhấn đáng chú ý của TP: Có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, bình quân trong 10 năm qua trên 10%, gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Ngay trong những giai đoạn nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng gấp 1,6 -1,7 lần cả nước. TP.HCM đóng góp trên 22% GDP của cả nước và 30% tổng thu NSNN, trong khi dân số của thành phố chiếm không quá 9% dân số cả nước." PGS-TS. Trần Hoàng Ngân |
Đây cũng là nơi ra đời giao dịch chứng khoán đầu tiên tại VN thông qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM (7/2000), sau này được đổi tên là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với số lượng cổ phiếu và vốn hóa cao nhất ở nước ta.
Vào giai đoạn năm 1986 - 1990, TP.HCM thành lập nhiều tổ chức tín dụng tập thể dưới các dạng: Quỹ tín dụng, HTX tín dụng, Trung tâm tín dụng… Bản chất các tổ chức tín dụng này là hoạt động của ngân hàng TMCP. Từ thực tiễn đó, TP đã thí điểm thành lập những ngân hàng TMCP đầu tiên của cả nước như Sài Gòn Công Thương (16/10/1987), Eximbank (24/5/1989)… Từ thực tiễn này, Quốc hội ban hành pháp lệnh Ngân hàng ngày 23/5/1990, tạo điều kiện cho loại hình ngân hàng TMCP phát triển đến ngày hôm nay.
Ngày 20/10/1989, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 639/QĐ/ UBND về các loại hình DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó chính là một trong những khuôn khổ pháp lý ban đầu, tạo niềm tin cho kinh tế tư nhân, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển một cách hợp pháp. Đó cũng là cơ sở thực tiễn để Quốc hội khóa VII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991. Chủ trương khuyến khích và thúc đẩy đa dạng hóa sở hữu và các thành phần kinh tế, trong đó, có thành phần kinh tế tư nhân, là một chủ trương đạt kết quả nổi bật của thành phố.
Đã có thời gian những chính sách đột phá, “xé rào” của TP gặp trở ngại do những quan điểm trái chiều, TP.HCM đã làm thế nào để vượt qua rào cản?
Thời điểm trước và sau đổi mới, những bước “xé rào”, đột phá của TP phải hứng chịu nhiều phê phán, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo và người dân TP vẫn kiên trì quán triệt phương châm “đổi mới xuất phát từ thực tiễn”, dùng thực tiễn để chứng minh những sai lầm của việc duy ý chí. Tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, không chịu bó tay trước những trói buộc lúc bấy giờ là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thừa nhận quan hệ sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bằng thực tiễn sinh động, TP không những tìm ra con đường phát triển kinh tế phù hợp, mà còn góp phần quan trọng tạo tiền đề cho nội dung đổi mới trên toàn quốc sau này.
Xin cảm ơn ông!