Choáng vì vàng không... lao dốc
Sáng sớm nay, không ít nhà đầu tư đã nghĩ tới đà “lao dốc” của giá vàng trong nước.
Chứng kiến phiên giảm kỷ lục của vàng thế giới, không ít nhà đầu tư đã nghĩ tới đà “lao dốc” của giá vàng trong nước.
Nhưng điều đó đã không xảy ra khiến nhà đầu tư choáng váng. Giá vàng trong nước giảm nhẹ, chỉ “bốc hơi” khoảng 150.000 đồng/lượng. Diễn biến này khiến khoảng cách giữa hai mức giá ngày càng được nới rộng hơn. Giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới khoảng 3,3 triệu đồng/lượng. Con số này chỉ là 2,8 triệu đồng/lượng trong các phiên trước đây.
Vào lúc 8h45 sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã niêm yết giá vàng giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá vàng SJC Hà Nội: Mua vào 46,52 triệu đồng/lượng; bán ra 46,74 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Hồ Chí Minh: Mua vào 46,52 triệu đồng/lượng; bán ra 46,72 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận có tốc độ giảm nhẹ hơn một chút. Giá vàng SJC: Mua vào 46,55 triệu đồng/lượng; bán ra 46,75 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: Mua vào 46,55 triệu đồng/lượng; bán ra 46,70 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại công ty vàng bạc đá quý SBJ chưa có sự điều chỉnh. Giá vàng SBJ giao dịch ở mức: Mua vào 46 triệu đồng/lượng; bán ra 46,60 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: Mua vào 46,80 triệu đồng/lượng; bán ra 46,90 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Doji điều chỉnh giá vàng giảm 250.000 đồng/lượng. Giá vàng Doji Hà Nội (bán lẻ): Mua vào 46,52 triệu đồng/lượng; bán ra 46,72 triệu đồng/lượng. Giá vàng Doji Tp Hồ Chí Minh (bán lẻ): Mua vào 46,52 triệu đồng/lượng; bán ra 46,72 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước giảm mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới. Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tháng khi bốc hơi gần 2% và rơi xuống 1.724 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá vàng chạm “đáy” 1.715 USD/ounce.
Giá vàng giảm trước hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Bên cạnh đó dữ liệu kinh tế Mỹ, lợi nhuận thấp hơn dự báo của các tập đoàn lớn và các cuộc họp về nợ công châu Âu cũng tác động không tốt tới giá vàng.
Julian Phillips, nhà sáng lập kiêm biên tập viên của GoldForecaster.com nhận xét: “Nỗi lo sợ tương lai của Mỹ và nợ công của khu vực châu Âu đang hiển hiện trên các thị trường, trong đó có kim loại quý. Giá vàng có thể rơi xuống 1.700 USD/ounce trong thời gian ngắn trước khi phục hồi”.
Peter Grant, chuyên gia phân tích thị trường tại USAGOLD bình luận: “Vàng vẫn duy trì vị thế phòng thủ trong tuần sau khi nhận được chất xúc tác và vọt lên ngưỡng kháng cự quan trọng 1.800/1.802,89 USD/ounce. Tuy nhiên, ngưỡng này không được duy trì lâu”.
“Sự thất vọng về lợi nhuận của các tập đoàn Mỹ gây thêm áp lực cho thị trường chứng khoán. Điều này tạo nên áp lực giải chấp. Áp lực này có xu hướng hỗ trợ đồng đô la, từ đó trấn áp vàng”.
Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh do lo ngại kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư dự đoán đường ống dẫn dầu Canada sang Mỹ sẽ phục hồi hoạt động sớm. Trên sàn ICE, giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 2,28 USD xuống còn 110,14 USD/thùng. Trên sàn Nymex, giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 giảm 2,05 USD xuống còn 90,05 USD/thùng.
Mặc dù giá dầu đang giảm nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng giá dầu có thể bứt phá để tìm lại ngưỡng 100 USD/thùng.