Cho vay liên NH: Cần có hướng dẫn cụ thể
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường tiền tệ ngân hàng xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo cần được quan tâm sát sao. Cụ thể, lãi suất huy động đã tăng vượt trần quy định, khối lượng giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang chậm lại; doanh số giao dịch liên ngân hàng tháng 9 giảm 60%. Vì vậy cần có chính sách linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản.
Từ câu chuyện trần lãi suất
Kế toán của một doanh nghiệp tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nhân viên giao dịch của một ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đang mời doanh nghiệp với món tiền trên 5 tỷ đồng gửi tiết kiệm 1 tháng lãi suất cộng ngoài 3%/năm so với trần lãi suất quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 9%/năm cho những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở xuống. Nhưng vẫn với mức lãi cộng ngoài 3% như vậy, chỉ cần gửi 2 tỷ đồng là có NHTM đồng ý ngay, chị Thanh Hải ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ. Theo tìm hiểu, câu chuyện vượt trần lãi suất đang khá phổ biến trên thị trường huy động vốn từ dân cư.
Câu chuyện này cũng được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề cập đến trong Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm. Cụ thể, Báo cáo nêu rõ thị trường tiền tệ ngân hàng xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo cần được quan tâm sát sao. Lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng vượt trần quy định từ đầu tháng 9 là chỉ báo cho thấy một số ngân hàng có thể có khó khăn về thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại, doanh số giao dịch liên ngân hàng tháng 9 giảm 60% sẽ buộc NHNN phải có chính sách linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng gặp khó khăn dù chỉ tạm thời.
Tuy nhiên, trong một tương quan khác, Phó tổng giám đốc một NHTM cho rằng, hiện tại câu chuyện vượt trần lãi suất không liên quan gì đến câu chuyện thanh khoản của các ngân hàng. Lý do bởi, hiện ngân hàng ông đang cho vay trực tiếp dân cư và các chủ dự án bất động sản (BĐS) nhưng tốc độ giải ngân rất chậm. Theo ông, lý do bởi người vay có nhu cầu thực sự mua nhà nằm trong phân khúc khách hàng bình dân và thu nhập thấp. Trong khi đó, nguồn cung hiện giá vẫn mấy tỷ đồng/căn hộ, ít nhà có giá trị từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng nên đối tượng khách hàng cũng bị hạn chế rất nhiều. Đối với các chủ đầu tư BĐS, ngân hàng cũng chủ yếu tập trung cho vay đối với những dự án đã từng cho vay và bây giờ cho vay để bổ sung thêm nhằm giúp hoàn thiện nốt công trình bởi “đâm lao nên phải theo lao”.
Câu chuyện vượt trần lãi suất đang khá phổ biến trên thị trường huy động vốn từ dân cư.
Lãi suất liên ngân hàng có thực sự ổn định?
Không phải ngẫu nhiên mà các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay với lãi suất không những rất ưu đãi mà còn các điều kiện hỗ trợ đi kèm bởi các ngân hàng đang thừa vốn. Ví dụ như một ngân hàng đang triển khai đồng loạt 5 sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất chỉ 9%/năm và tập trung vào 3 điểm nổi bật để thu hút khách hàng: duyệt vay siêu tốc trong vòng 4 - 8 giờ, hướng tới đối tượng khách hàng chuyên biệt và hạn mức cao, có thể lên tới 3 tỷ đồng mà không cần tài sản bảo đảm. Chỉ cần đăng ký trên website của ngân hàng đó ở mục vay tiêu dùng siêu tốc online (trực tuyến), thì trong vài giờ, khách hàng đã được chuyên viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng đó liên hệ phục vụ.
Đồng quan điểm vượt trần lãi suất không liên quan gì đến câu chuyện thanh khoản, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn VIB phân tích thị trường liên ngân hàng hiện đang ở trạng thái tốt nhất từ trước đến nay đặc biệt trong nhóm G12. Quả thực, lãi suất thị trường liên ngân hàng 2 tuần qua rất ổn định. Cụ thể, qua đêm 3,5%; 1, 2 và 3 tuần tương ứng 4,5%, 5% và 6%; 1 tháng là 7,5% trên 1 tháng hiện không có giao dịch nhưng vào khoảng 8% - 9,5%. “Chính sự ổn định quá của thị trường liên ngân hàng sau khi chuyển đổi từ thị trường tiền gửi sang cho vay đã có những tác động đến thị trường huy động vốn từ dân cư ”, ông Trung dự đoán.
“Bên cạnh đó, các ngân hàng còn rất bỡ ngỡ vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía NHNN, ví dụ như: thương thảo về hợp đồng cho vay quy định chuẩn sẽ như thế nào, trích lập dự phòng ra sao... Do vậy, các NHTM rất dè dặt hoạt động trên thị trường này. Thông tư 21 có hiệu lực từ ngày 1/9/2012 nhưng cần thêm một thời gian nữa mới thực sự đi vào hoạt động của thị trường”, ông Trung nhấn mạnh.
Từ ngày 18/6/2012, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để tham gia giao dịch liên ngân hàng, các TCTD phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch liên ngân hàng từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch (đối với bên đi vay) với lãi suất tự thoả thuận. |