“Chính phủ đồng ý triển khai dự án 27 tỷ USD”

“Theo thông tin mới nhất tôi nhận được, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án lọc dầu 27 tỷ USD” - Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định nói.

Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ký kết với tập đoàn dầu khí Thái Lan dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá 27 tỷ USD.

Đây là dự án có vốn đầu tư rất lớn nên đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam lên tiếng phản đối do lo ngại dư thừa nguồn cung, Bộ Công thương tỏ ra nghi ngại đối tác Thái Lan chưa thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, thì tỉnh Bình Định luôn khẳng định dự án này có tính khả thi rất cao.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Thu hút đầu tư - Kinh nghiệm từ Bình Định", tổ chức sáng 12/5, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đây là dự án lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay chứ không chỉ của riêng Bình Định. Tỉnh đã đã đàm phán với nhà đầu tư từ 3 năm nay, chứ không phải chỉ những tháng gần đây.

Ông Dũng khẳng định: “Với góc độ của người trực tiếp tìm hiểu, trực tiếp đàm phán dự án này, tôi cho rằng đây là dự án khả thi.

Dự án lọc hóa dầu trị giá 27 tỷ USD dự kiến đặt tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Dự án có quy mô dự kiến 660.000 thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm - gấp gần 5 lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan.

Thứ nhất, đối với nhà đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan thực sự là nhà đầu tư có năng lực, theo xếp hạng của thế giới, Tập đoàn này nằm trong top 100 Tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, tài sản của Tập đoàn này là hơn 150 tỷ USD, doanh thu hàng năm theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là hơn 80 tỷ USD/năm, lợi nhuận gần 3,5 tỷ USD/năm.

Như vậy năng lực của nhà đầu tư là năng lực thực tế, đã được chứng minh.

Thứ hai, trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan, Tập đoàn đã có kế hoạch phát triển một nhà máy lọc hóa dầu ở khu vực đủ năng lực cạnh tranh với thế giới và hướng là mở một nhà máy có công suất lớn để bảo đảm cạnh tranh.

Như vậy, đối với nhà đầu tư thì năng lực đã sẵn sàng, kế hoạch cũng đã có. Còn riêng vấn đề đặt ra là vì sao nhà đầu tư chọn khu kinh tế Nhơn Hội?

Đây là nhà đầu tư chọn, qua quá trình khảo sát các vị trí ở Việt Nam, Malaysia, Myanmar… họ chọn Khu kinh tế Nhơn Hội của Bình Định vì đây là mảnh đất có đủ điều kiện, hội đủ tiêu chí để triển khai nhà máy lọc hóa dầu."

Phó Chủ tịch Hồ Quốc Dũng còn cho biết: “Theo thông tin mới nhất tôi nhận được, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án này tại khu kinh tế Nhơn Hội”.

Tại cuộc tọa đàm còn có ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Thắng cho biết, quan điểm của Bộ về dự án này: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xem xét về quy hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư, thị trường, và báo cáo Chính phủ.

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án còn rất nhiều việc phải làm. Trong quá trình theo dõi, quản lý các dự án lớn tại các khu kinh tế như lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất, thép Formosa… chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần cân nhắc, đặc biệt là cơ chế, chính sách mà các nhà đầu tư đặt ra đối với các cấp chính quyền".

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2013, trả lời câu hỏi của PV về dự định của một công ty Thái Lan đầu tư dự án lọc dầu 27 tỷ USD vào Bình Định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Bhương đã báo cáo lên Chính phủ hay chưa? Quan điểm của Chính phủ về dự án này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, dự án này đã được báo cáo Chính phủ ở góc độ là xem xét cho các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu lập dự án. Khi hoàn tất các bước trình lên Chính phủ, Chính phủ sẽ cân nhắc trên nhiều góc độ khác nhau, từ việc đảm bảo an toàn an ninh năng lượng đến việc thu hút đầu tư.

Đồng thời, riêng đối với lọc dầu, cũng có nhiều yếu tố đặc thù cần phải xem xét, ví dụ lọc dầu đảm bảo công nghệ như thế nào. Chính phủ luôn cân nhắc kỹ các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có quy mô lớn muốn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt là lợi thế đường biển.

Chính phủ sẽ xem xét một cách khách quan, nếu thấy dự án đáp ứng yêu cầu, lợi ích chung của đất nước về tất cả các mặt thì Chính phủ sẽ ưu tiên cho nhà đầu tư. Nếu dự án không đáp ứng yêu cầu sẽ có những ý kiến ở mức độ chính sách ưu tiên khác nhau để nhà đầu tự quyết định có đầu tư không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN