Chiêu lừa “gọi điện - chuyển tiền”: Kịch bản giản đơn
Các cơ quan chức năng không bao giờ dùng điện thoại để trao đổi thông tin điều tra với người dân. Thế nhưng, bằng chiêu thức đơn giản này, bọn xấu vẫn lừa được rất nhiều người
Nhiều cán bộ ngân hàng (NH) cho biết do NH không được phép cung cấp thông tin khách hàng cho người khác (ngoại trừ cơ quan điều tra) nên kẻ xấu có thể thuê một người khác mở tài khoản; khi người bị lừa đã chuyển tiền, chúng sẽ rút tiền ngay lập tức rồi hủy bỏ số tài khoản tại NH.
Lợi dụng kẽ hở giao dịch ngân hàng
Trong trường hợp cơ quan công an tiến hành điều tra, NH sẽ cấp số tài khoản của người nhận tiền nhưng chủ tài khoản là người mà kẻ xấu thuê đứng tên, vì vậy công an rất khó truy tìm nguồn gốc bọn lừa đảo.
Người dân đến NH chỉ cần xuất trình CMND, cung cấp địa chỉ... là mở được tài khoản cá nhân hoặc làm được thẻ ATM. Khi chủ tài khoản chuyển tiền đến tài khoản của người khác, nhân viên NH không có quyền truy hỏi khách hàng chuyển tiền làm gì. Còn khi chuyển tiền qua Internet Banking, hệ thống của NH không thể nhận biết người thực hiện giao dịch có đúng là chủ tài khoản hay không mà chỉ xác thực số tài khoản, mật khẩu giao dịch, mã số do NH cung cấp cho người chuyển tiền, tài khoản của người nhận tiền là giao dịch được thực hiện. Do đó, một số cán bộ NH khuyến cáo người dân không nên đứng tên hộ tài khoản NH cho người khác bởi nếu chẳng may rơi vào âm mưu của bọn lừa đảo thì sẽ gặp rắc rối.
Khi chủ tài khoản chuyển tiền đến tài khoản của người khác, nhân viên NH không có quyền truy hỏi khách hàng chuyển tiền để làm gì Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Trưởng Ban Kiểm soát NH Á Châu, nhân viên NH chỉ nhắn tin hay gọi điện thoại nhắc nhở khách hàng khi gần đến hạn trả nợ. Trường hợp khách hàng đã nợ thực sự thì NH thông báo bằng văn bản hoặc gửi thư mời để làm việc trực tiếp. Vì thế, khi nhận được thông tin liên quan đến giao dịch với NH, người dân cần cảnh giác bởi hiện nay không ít kẻ lừa đảo dùng điện thoại hù dọa người “yếu bóng vía” bằng thông tin giả mạo rồi đề nghị dàn xếp theo hướng yêu cầu người dân chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng mở sẵn.
Một lãnh đạo của NH Eximbank cũng cho biết từ thông tin của các cơ quan chức năng, các NH biết được kẻ xấu đã biến hóa số điện thoại của chúng thành số điện thoại của cơ quan công an. Ví dụ, số điện thoại thực của kẻ xấu có đầu số 0123... nhưng sau khi ứng dụng công nghệ cao, chúng biến hóa đầu số điện thoại của mình thành đầu số điện thoại của Bộ Công an là 069... Vì thế, khi người dân gọi điện vào đầu số 069... để xác minh, chúng sẽ thừa nhận đó là số điện thoại của cơ quan công an, đồng thời xác nhận danh tính cán bộ công an, vụ việc mà chúng đã giả mạo... khiến người dân nghĩ rằng thông tin mà chúng cung cấp là thật và hốt hoảng làm theo chỉ dẫn của chúng.
Nhận biết các dấu hiệu lừa đảo
Một cán bộ Phòng PC46 - Công an TP HCM phân tích: Để lừa đảo được, bọn chúng chuẩn bị kịch bản rất chi tiết với nhiều phương án. Chúng thu sẵn tiếng hỏi cung, tiếng gõ máy, tiếng còi hụ... để lúc cần là bật lên để gần điện thoại nhằm củng cố lòng tin của “con mồi”. Nếu người nghe điện thoại nhất quyết không tin thì chúng sẽ tắt máy hoặc chuyển điện thoại cho người tự xưng là cán bộ VKSND nhằm tăng sự thuyết phục.
Để tăng độ tin cậy, bọn chúng còn thách thức nạn nhân gọi tổng đài 1080 để kiểm tra số điện thoại đang gọi đến có phải là của công an hay không. Tuy nhiên, nhiều người không thể ngờ rằng chúng đã sử dụng công nghệ viễn thông đổi số điện thoại trùng khớp với số của Công an TP Hà Nội, Bộ Công an... nên sau khi kiểm chứng thấy trùng khớp thì đã cả tin, dẫn đến sập bẫy.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Viện Chiến lược và Khoa học Công an phân tích: Hiện nay, nhân viên của một số doanh nghiệp thường gọi điện thoại nhắc nhở khách hàng đến hạn thanh toán nợ NH hoặc chậm thanh toán tiền điện, điện thoại bàn, điện thoại di động dành cho thuê bao trả sau... Tranh thủ yếu tố này, kẻ xấu đội lốt chủ doanh nghiệp để nhắn tin hay gọi điện thoại thông báo nợ cước phí điện thoại, tiền điện, nợ thẻ tín dụng; số tài khoản NH, số CMND bị làm giả... rồi chủ động cho nạn nhân trao đổi qua điện thoại với kẻ giả mạo công an để hù dọa người dân vi phạm pháp luật. Đây là những dấu hiệu lừa đảo bởi về nguyên tắc, các cơ quan chức năng không bao giờ dùng điện thoại để trao đổi thông tin hoặc mời người dân đến trụ sở làm việc.
Mỗi khi cần gặp gỡ người dân, cơ quan công an sẽ gửi thư mời thông báo thời gian, địa chỉ cụ thể, thậm chí có trường hợp cán bộ công an phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà mời người dân lên trụ sở để làm việc. Khi nhận được những thông tin đáng nghi ngờ, nếu người dân phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật thì chắc chắn công an sẽ bắt được bọn tội phạm.
Nghe nói dính án ma túy, liền chuyển tiền Bà T.N.H (ngụ quận 6, TP HCM) bị một người xưng là cán bộ điều tra gọi vào số điện thoại nhà riêng, thông báo bà dính líu đến một tổ chức vi phạm pháp luật và yêu cầu hỗ trợ bằng cách chuyển tiền. Cụ thể, ngày 3-11, vừa đi chợ về, bà nhận được cuộc gọi, đầu dây bên kia là một người nói giọng Bắc. Ban đầu, người này nói bà liên quan đến đường dây buôn ma túy quy mô lớn, bà bảo có thể họ gọi nhầm số nên tắt máy. Tuy nhiên, ngay sau đó, bà tiếp tục nhận liên tiếp các cuộc gọi. Bà nghe máy thêm lần nữa. “Lần này, người bên kia đầu dây đọc vanh vách chính xác họ tên, năm sinh và nhiều thông tin cá nhân của tôi rồi nói nghi phạm đã khai tên tôi nên phải hợp tác với cơ quan điều tra để phá án” - bà H. kể. Trong quá trình nói chuyện qua điện thoại, bà H. thật thà cho biết bà có 2 tỉ đồng trong tài khoản. Bên kia yêu cầu bà chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản tại một NH ở tỉnh Hải Dương để làm rõ việc có hay không số tiền này liên quan đến một nhóm buôn ma túy. Bất ngờ, khi nhận được tiền, bên kia lập tức trả ngược lại và thông báo: “Đã có kết luận điều tra, bà không liên quan gì đến chuyên án này nên cơ quan điều tra trả đầy đủ số tiền bà đã chuyển”. Tưởng êm xuôi, bà H. nói lời cảm ơn nhưng nào ngờ chúng tung chiêu mới, bảo bà chuyển 315 triệu đồng để “hợp tác điều tra”. Chuyển tiền xong, bà H. sực tỉnh nhưng đã muộn... |