Chi tiêu từ 200 triệu phải qua ngân hàng?

Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn đưa ra nhiều nhóm đối tượng thuộc diện kiểm soát. Tuy nhiên, với thực tế nguồn thu nhập ngoài lương rất phong phú và thanh toán dùng tiền mặt hiện nay thì tính khả thi của đề án này vẫn là dấu hỏi lớn. Đề án đề xuất yêu cầu quan chức giao dịch qua tài khoản đối với các khoản chi lớn.

Có những thu nhập nguồn gốc bất hợp pháp

Theo Thanh tra Chính phủ, hiện nay, nhiều công cụ góp phần kiểm soát thu nhập như Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định thanh toán không dùng tiền mặt, quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng... đã được sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng lên và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, làm nảy sinh nguy cơ có những thu nhập nguồn gốc bất hợp pháp, có thể từ hành vi tham nhũng.

Cụ thể, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai trong thực hiện chi trả lương và các khoản phụ cấp cho người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, lượng tiền trong các giao dịch này chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng giao dịch của nền kinh tế.

Đặc biệt, lượng tiền trong các giao dịch kinh tế, dân sự khác chiếm tỷ lệ cao hơn thì hầu như lại được thực hiện theo phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến việc kiểm soát thu nhập quan chức khó khăn là các quy định về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà biếu còn có những nội dung chưa chặt chẽ, không khả thi và thiếu chế tài xử lý vi phạm.

Các quy định về trình tự báo cáo, nộp lại quà, nhất là đối với quà bằng hiện vật còn rườm rà, phức tạp, khó thực hiện, không khuyến khích các cơ quan, cá nhân thực hiện.

Ngoài ra, hiện cũng chưa có chế tài xử lý nghiêm vi phạm quy định về tặng quà, nhận quà. Ranh giới giữa quà tặng và tài sản hối lộ không dễ phân biệt do đó có sự nhầm lẫn về xử lý và kiểm soát.

Chi tiêu từ 200 triệu phải qua ngân hàng? - 1

Dự thảo đề án siết việc thanh toán tiền mặt của người có chức vụ quyền hạn. Ảnh: Ngọc châu.

Quan chức phải giao dịch qua tài khoản

Một trong những giải pháp được dự thảo đề án đưa ra là quy định bắt buộc sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng đối với các khoản chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ quyền hạn.

Đồng tình với đề xuất này, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng, giải pháp này có thể thực hiện được ngay mà không gặp vướng mắc nào.

Ví như, quan chức thuộc diện kiểm soát của Đề án khi thực hiện những giao dịch mua bán từ 200 triệu đồng trở lên là bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Các cơ quan ngân hàng, cơ quan chống rửa tiền tiến hành xác minh đối với những khoản chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn.

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, muốn Đề án khả thi thì phải thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác. Trong đó, quan trọng là giải pháp hạn chế thanh toán dùng tiền mặt. Ví như, mua nhà, ô tô phải có phiếu chuyển tiền của ngân hàng thì mới đủ điều kiện được đăng ký, làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Theo dự thảo đề án, khâu chi trả mọi khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn đều phải qua tài khoản ngân hàng.

Sẽ có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn và đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ khi bắt đầu được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm đến 5 năm sau khi người có chức vụ, quyền hạn nghỉ hưu.

Các khoản thu nhập bị kiểm soát

3 nhóm cơ bản: Thu nhập từ ngân sách nhà nước (lương, phụ cấp…); Thu nhập chịu thuế và không chịu thuế thu nhập cá nhân từ các giao dịch chuyển nhượng bất động sản, từ đầu tư vốn, kinh doanh, kiều hối...; Thu nhập từ quà tặng, quà biếu, tiền thưởng, hoa hồng.

Những ai bị kiểm soát thu nhập?

Đại biểu Quốc hội, HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND; người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND. Cán bộ, công chức từ cấp phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương; Sỹ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn trở lên; người giữ chức phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT; Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, từ phó phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN