Cảnh giác “bẫy giá vàng”!

Sự kiện: Giá vàng

Trong khi không ít quỹ đầu tư dự báo giá vàng sẽ tiếp tục lập những đỉnh mới, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn nhưng đầu tư lướt sóng dài hạn vẫn rất rủi ro.

Chỉ trong một tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng gần 11%. Trong khi đó,vàng miếng SJC cũng có mức tăng khoảng 2,5 triệu đồng mỗi lượng.

Tăng “rực rỡ” nhờ Brexit

Ngày 3-7, thị trường vàng trong nước nghỉ phiên cuối tuần nhưng giá vàng SJC trên thị trường tự do vẫn được các cửa hàng tại TP HCM niêm yết phổ biến mua vào 35,62 triệu đồng/lượng, bán ra 35,83 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với tuần trước. Giá vàng thế giới cũng đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.342 USD/ounce, mức cao nhất từ đầu năm 2014 đến nay.

Quan sát biểu đồ giá vàng cho thấy trong một tháng qua, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, từ mức 33,35 triệu đồng lên tới 35,85 triệu đồng chiều bán ra. Đây là mức tăng cao nhất của giá vàng từ tháng 10-2014 đến nay. Nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 9,4%.

Trong khi đó, trong một tháng qua, giá vàng thế giới cũng tăng tới 130 USD/ounce, tương đương mức tăng 10,6%. Tính từ đầu năm đến giờ, kim loại quý này trên sàn quốc tế đã có mức tăng ấn tượng đến 26,5%.

Cảnh giác “bẫy giá vàng”! - 1

Theo các chuyên gia, lướt sóng vàng kiếm lời trong thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro Ảnh: Tấn Thạnh

Yếu tố chính giúp giá vàng thế giới và trong nước những ngày qua tăng điểm “rực rỡ” xuất phát từ sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU). Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, giá vàng thế giới đã có phiên nhảy vọt cả 100 USD/ounce, lên mức cao kỷ lục trong 2 năm qua là 1.362 USD/ounce. Hơn một tuần sau sự kiện này, giá vàng thế giới vẫn ở mức cao và được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Theo Phòng Kinh doanh vàng - Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, vàng thế giới đã đánh dấu tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp do đồng USD suy yếu và triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ sau Brexit. Nhu cầu vàng với tư cách tài sản trú ẩn đã đẩy giá kim loại quý tăng mạnh khi giới đầu tư đổ tiền vào kênh này. Các quỹ đầu tư vàng lớn thế giới như SPDR Gold Trust, iShares Gold Trust cũng tiếp tục tăng lượng vàng nắm giữ.

Sự hấp dẫn của vàng những ngày qua đã khiến các tổ chức tài chính quốc tế, quỹ đầu tư thay đổi dự báo về giá trong thời gian tới. Hầu hết đều cho rằng giá vàng sẽ trên 1.400 USD/ounce vào cuối năm và mức cao nhất có thể lên tới 1.600 USD/ounce.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 7-2016, HSBC Việt Nam nhìn nhận vàng sẽ tăng giá mạnh cùng yen (Nhật) và franc (Thụy Sĩ) nhờ động thái “đầu tư an toàn” của thị trường trong tương lai gần. “Vàng là một dạng tài sản đầu tư ít rủi ro nên sẽ tăng giá sau quyết định rời EU của Anh. Những người đầu tư an toàn nhắm vào vàng giúp lực mua tăng. Trong trường hợp dòng vốn khiến đồng bảng Anh và đồng euro yếu đi, vàng có thể là kênh đầu tư hoàn hảo” - đại diện HSBC phân tích.

Đặc biệt, báo cáo thường niên năm 2016 vừa công bố mang tên “In gold we trust” của nhóm tác giả Ronald-Peter Stoeferle và Mark J.Valek đến từ quỹ đầu tư Incrementum AG đã đưa ra dự báo “khá sốc” khi cho rằng trong 2 năm tới, giá vàng có thể đạt mức 2.300 USD/ounce (tương đương khoảng 62 triệu đồng/lượng).

“Dự báo chỉ là dự báo”

Liên quan đến những dự báo lạc quan về giá vàng sắp tới, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng “dự báo chỉ là dự báo”.

Năm 2008, có tổ chức từng dự báo giá vàng có thể lên tới 5.000 USD/ounce (tương đương 100 triệu đồng/lượng lúc đó) nhưng thực tế lại “rớt thẳng đứng” và chưa bao giờ lên bằng một nửa mức dự báo. Lần này cũng không phải ngoại lệ. Lý do, xu hướng chính của đồng USD trong trung và dài hạn là tăng giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang theo đuổi chính sách thắt chặt sẽ tạo áp lực lên giá vàng.

Sau Brexit, ngoài đồng bảng Anh rớt giá, các thị trường chứng khoán, giá dầu… đều phục hồi tốt. Người Anh không hài lòng về quyết định rời khỏi EU nên chắc chắn chính phủ nước này sẽ làm mọi cách giữ lại những lợi ích như khi vẫn ở liên minh (có thể bằng một hiệp định riêng với EU). Do đó, thị trường có bất ổn nhưng mức độ tăng của giá vàng sẽ không quá lớn như giới phân tích dự đoán.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng cho rằng xu hướng giá vàng sẽ tăng trong ngắn hạn nhưng để đạt đến mốc 1.920 USD/ounce vào cuối năm 2011 là điều rất khó. Brexit khiến bảng Anh và euro mất giá, đồng USD tăng.

Về nguyên tắc, USD tăng kéo giá vàng giảm nhưng lần này, cả vàng và USD cùng đi lên. Bởi lẽ, sau sự kiện Anh rời EU, người dân đã bán bảng Anh và đồng euro, chuyển sang mua vàng và USD như một kênh bảo toàn tài sản. Trong đó, vàng tăng mạnh hơn nhưng để lên mức kỷ lục tới 2.300 USD/ounce như trong lịch sử hoặc như dự báo của một số tổ chức là điều không dễ dàng.

“Giá vàng thế giới tiếp tục đi lên và áp lực tăng tỉ giá USD/VNĐ có thể giúp giá vàng trong nước tăng trong ngắn hạn nhưng để đầu tư trung, dài hạn vẫn rất rủi ro” - ông Hải nhìn nhận.

Ở thị trường trong nước những ngày qua, khi giá vàng nhảy vọt cả triệu đồng/lượng, không ít nhà đầu tư đã trở lại kênh này. Giá vàng trong nước áp sát giá thế giới cũng giúp nhà đầu tư an tâm hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, giữ vàng trong trung và dài hạn sẽ phù hợp hơn lướt sóng kiếm lời trong thời điểm này. Giá vàng tăng mạnh có thể hơn lãi suất ngân hàng nhưng vẫn kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.

Chưa kể, “bẫy giá vàng” có thể xảy ra như năm 2008. Lúc đó, giá vàng quá cao trong khi chứng khoán, bất động sản và ngoại tệ quá thấp có thể khiến vàng bị bán ra để đầu tư vào kênh khác. Tại Việt Nam, chênh lệch giá mua vào - bán ra quá lớn mỗi khi giá có biến động và chính sách gửi vàng mất phí có thể làm nhà đầu tư không tính toán kỹ có thể thua lỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN