Cạm bẫy thương trường quốc tế: Hóa giải

Để tránh sập bẫy trên thương trường quốc tế, các cá nhân, tổ chức cần nâng cao cảnh giác; nhà nước nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan.

Chuyện lừa đảo vay vốn ngoại, lừa đảo giao thương qua mạng… là những vấn đề rất đáng lo ngại. Theo các chuyên gia kinh tế, để ngăn ngừa hậu quả, bên cạnh khuyến cáo kịp thời của các cơ quan chức năng trong những thời điểm tội phạm này bùng phát, nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến các lĩnh vực này.

Đừng “chết” vì tham!

Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng (NH) Việt Nam, nhận định nạn nhân của các chiêu trò này không chỉ là những cá nhân, tổ chức thiếu hiểu biết về pháp luật tài chính, NH mà ngay cả những người trong ngành cũng dễ sa bẫy vì ham lợi nhuận. “Trong thực tế, nhiều chi nhánh, thậm chí là hội sở NH có tên tuổi ở Việt Nam cũng đã từng đón tiếp nhiều trường hợp chào mời vay vốn ngoại với những ưu đãi bất ngờ” - LS Đức cho biết.

Trong thời gian làm việc tại bộ phận pháp chế của một NH, LS Trương Thanh Đức từng cùng với lãnh đạo và các đồng sự tiếp một nhân vật. Người này khẳng định có nguồn tiền rất lớn. Sau một vài buổi tiếp xúc, nhân vật này hẹn ngày giờ và yêu cầu NH cử người đến tham dự cuộc họp của doanh nghiệp (DN) ông ta với một số bộ, ngành. Sau khi đắn đo, NH đã rút lui vì cho rằng khoản tiền vài chục tỉ USD mà ông ta hứa cho vay chỉ là bánh vẽ.

Cạm bẫy thương trường quốc tế: Hóa giải - 1

Nếu doanh nghiệp hoa mắt trước những khoản cho vay cực rẻ hay những đơn hàng nhập khẩu giá chỉ bằng một nửa thị trường… thì sẽ rất dễ sập bẫy. Ảnh: Hồng Thúy

Một số chuyên gia phân tích: Chuyện có nguồn vốn rẻ đâu phải dễ dàng, nếu có thì nhiều khả năng là tiền bẩn được các tổ chức, cá nhân đưa vào Việt Nam để rửa tiền. Tiêu chí quan trọng đầu tiên phải nghĩ khi tiếp cận với những lời chào mời vốn “khủng” là làm sao có số tiền lớn như vậy với giá vốn quá rẻ. Chỉ với sự cảnh giác cao độ như vậy, DN mới tránh xa được những cái bẫy. Nếu sa đà vào tiếp xúc sẽ càng khó dứt ra vì những kẻ lừa đảo thiết kế đường đi nước bước như thật trong khi các DN vừa thiếu thông tin, lại thường không có LS hỗ trợ. Nhiều trường hợp các giấy tờ chứng minh vốn đối tác đưa ra đều có dấu đỏ nhưng thực chất là bảo lãnh hoặc cam kết vô thưởng vô phạt, kiểu như xác nhận tổ chức, cá nhân đó từng có tài khoản ở NH quốc tế nào đó...

Theo LS Trần Hữu Huỳnh - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vấn đề lừa đảo thương mại xuất nhập khẩu, vay vốn nước ngoài đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn có lúc rộ lên do kẻ lừa đảo biết đánh vào lòng tham, thiếu hiểu biết pháp luật và sự đói vốn của DN.

Củng cố hành lang pháp lý

Thực tế, NH Nhà nước và Bộ Tài chính đã không ít lần có các văn bản khuyến cáo. Bên cạnh việc lưu ý DN, địa phương cần gửi thông tin cho Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Tài chính còn đề nghị tuyệt đối không cử đoàn ra nước ngoài thương thảo hợp đồng. Còn NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại thận trọng khi tiếp xúc với các đối tác như trên và tuyệt đối không phát hành các loại giấy mời, thư hứa bảo lãnh, giấy ủy quyền vay vốn… khi chưa nắm được thông tin về đối tác.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng NH Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh nói: “Không thể có chuyện giải ngân hàng tỉ USD vốn ngoại dễ như không, bởi thực tế ngay cả các gói vay vốn có giá trị chỉ vài trăm ngàn USD đã rất khó khăn với nhiều ràng buộc chặt chẽ”.

LS Trần Hữu Huỳnh tư vấn: Trước hết, DN cần vốn chỉ nên tìm đến các kênh cung cấp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, DN cần có LS, cố vấn pháp lý để rà soát trước khi ký hợp đồng. Hoạt động xuất nhập khẩu vào các thị trường mới, DN nên tham gia các hội thảo, diễn đàn, hội chợ hoặc nhờ hỗ trợ thông tin từ các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thậm chí còn tập hợp các trường hợp mẫu, khuyến cáo nhiều dấu hiệu lừa đảo dễ nhận thấy của các đối tác “ma”… để DN nâng cao tinh thần cảnh giác khi làm thủ tục giao thương qua mạng…

Theo quy định hiện hành, DN, NH và cá nhân đều được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Tháng 3-2013, Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh Ngoại hối (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 với quy định cho phép cá nhân, DN có thể đi vay mượn nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ…

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chưa hoàn thiện hành lang pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn ngoại của các cá nhân, DN trong khi nhu cầu vốn có thực đã khiến các đối tượng lừa đảo có đất sống. Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, quy định mới của Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi đi vào cuộc sống sẽ có tác dụng hợp thức hóa những hoạt động đang diễn ra trong thực tế và công tác quản lý sẽ hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu nhà nước không hợp pháp hóa vay vốn nước ngoài, hoạt động này sẽ vẫn tồn tại nhưng rất khó kiểm soát.

“Còn việc có nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy hay không là tùy thuộc vào sức đề kháng của các cá nhân, tổ chức. Nếu tiếp tục hoa mắt trước những khoản chào vay vốn “khủng” với lãi suất cực thấp hay những đơn hàng nhập khẩu giá chỉ bằng một nửa giá thị trường… thì chuyện mất tiền là khó tránh khỏi” - ông Ánh nhận xét.

Hai dạng chào vay vốn ảo

LS Trương Thanh Đức cho biết các bản chào vay vốn ngoại ảo thường có 2 dạng. Một là cho vay số tiền hàng tỉ USD mà lãi vay gần như cho không, thời gian ân hạn kéo dài, điều kiện chỉ cần có chứng thư bảo lãnh của NH thương mại hoặc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, thậm chí chỉ cần chi trước một khoản hoa hồng và nộp lệ phí... Loại này thường nhắm vào các cá nhân hoặc DN nhỏ thiếu kiến thức pháp luật.

Loại thứ 2 cũng có vốn rất “khủng”, điều kiện cho vay cũng vô cùng hấp dẫn, hồ sơ và các giấy tờ liên quan đều có đóng dấu đàng hoàng (nhưng là giả). Loại này nhắm vào các DN nhà nước, thậm chí là cả NH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN