Các nhà đầu tư khuynh gia bại sản vì đất

Tiền của các nhà đầu tư đất tại các dự án thuộc quận Hà Đông hiện đã bốc hơi 50%. Không những vậy, áp lực lãi vay ngân hàng đã khiến không ít “trùm” bất động sản ở đây khuynh gia bại sản.

Nam – một tay buôn đất lớn tại Hà Đông bần thẩn kể, hầu hết giới buôn đất Hà Đông đang trong tình trạng hết sức bị đát. Tiền kiếm được từ những cơn sốt đất vài năm trước giờ cứ bốc hơi hàng ngày.

Còn nhớ thời điểm thị trường bất động sản sốt nóng, chỉ từ người trung gian môi giới bất động sản kiếm tiền chục, trăm triệu từ việc chỉ trỏ, từ việc ăn chênh giá giữa bên bán và mua. Nam mạnh dạn thế chấp nhà cửa, vay vốn ngân hàng để mua bất động sản đầu tư kiếm lời. Chỉ trong vòng 2 năm, Nam phất như diều gặp gió, nhà lầu, xe hơi…đủ cả. Lúc đó, nhiều thương vụ buôn bán tất tay 1-2 ngày Nam cũng có thể kiếm vài tỷ đồng tiền chênh lệch.

Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản bắt đầu bước vào khó khăn, Nam đã bị mắc can khi không kịp thanh khoản những bất động sản đã mua vào trước đó.

Nam nói, tính sơ sơ để thấy được dân nhà đầu tư bất động sản ở Hà Đông “chết” đau đớn như thế nào. Nếu bỏ vào thị trường 100 tỷ đồng trong đó số tiền vay ngân hàng chiếm 30 tỷ đồng. Thì hiện giờ tổng số tiền bỏ vào đó chỉ còn khoảng 65 tỷ đồng trong khi 30 tỷ đồng tiền vay hàng tháng vẫn phải trả ngân hàng gần 500 triệu đồng/tháng. Thị trường đóng băng, riêng tiền trả lãi ngân hàng đã khiến cho các tài sản kiếm được lần lượt ra đi. Nhiều tay buôn lớn ở Hà Đông đã phải bán hết nhà cửa, xe ô tô đi để trả lãi ngân hàng mà vẫn còn chưa đủ.

Các nhà đầu tư khuynh gia bại sản vì đất - 1

Năm 2013, thị trường nhà đất còn tiếp tục giảm mạnh do ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc phát mãi tài sản thế chấp của khách hàng nhiều hơn.

“Chỉ tính riêng 1 khoản đầu tư nhỏ của tôi là thấy được ngay lỗ bao nhiêu tiền. Năm 2010, Nam đầu tư một lô đất liền kề 100m2 tại dự án Văn Phú, nằm vị trí mặt đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), với giá 120 triệu đồng/m2, tổng giá trị 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hai năm đầu tư, hiện giá trị căn nhà này chỉ còn 6,5 tỷ đồng. Điều đáng nói, giá rẻ vậy mà vẫn không thể tìm được khách mua” Nam chia sẻ

Chị Hương (Giám đốc công ty bất động sản Thành Hưng - Hà Đông) cho biết, sở dĩ dân đầu tư bất động sản Hà Đông rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay là do vướng vào vay tín dụng đen. Để có tiền đảo nợ cho khoản vay ngân hàng, chị Hương đã thế chấp nhà cho một cơ sở tín dụng đen vay 1,2 tỷ đồng với lãi vay ngày 3.000/triệu đồng/ngày. Những tưởng, chỉ vay nóng trong vòng 1-2 tuần để có tiền đảo nợ ngân hàng. Tuy nhiên, sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát khi ngân hàng tuyên bố không đảo nợ.

"Thời điểm cuối năm 2011 khi các ngân hàng đang rốt ráo thu nợ, nhiều ngân hàng đã cam kết chỉ cần khách hàng có tiền trả khoản nợ vay thì ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay khoản mới. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu lừa của các nhân viên tín dụng bởi sau khi chúng tôi trả khoản nợ cũ, nhất định ngân hàng không cho vay. Nguyên nhân sâu xa là do hiện nợ xấu tại các ngân hàng đã rất lớn. Nếu tiếp tục cho vay khả năng thu được nợ là rất khó. Hơn nữa, ngân hàng càng về cuối năm càng khan tiền mặt." chị Hương cho biết.

Việc hàng loạt các nhà đầu tư bất động sản lớn tại Hà Đông phá sản vì đất là hệ quả của việc đầu tư "quá tay", đầu tư theo kiểu "chộp giật". Hầu hết các nhóm đầu tư lớn đất tại Hà Đông đã từng góp công sức để "thổi" giá bất động sản lên cao. Tuy nhiên, ít người có thể ngờ được thị trường bất động sản lại có thể sụt giảm mạnh và kéo dài đến như vậy. Theo nhận định của các tay buôn đất chuyên nghiệp tại Hà Đông. Bước sang năm 2013, thị trường nhà đất còn tiếp tục giảm mạnh do ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc phát mãi tài sản thế chấp của khách hàng nhiều hơn.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh An (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN