Bớt lệ thuộc NH: DN phát hành trái phiếu

Không thể mãi vay vốn ngân hàng và cũng không dễ để vay vốn ngân hàng, một số doanh nghiệp (DN) đã chấp nhận phát hành trái phiếu lãi suất cao hoặc trái phiếu chuyển đổi để tái cơ cấu nợ cũng như đầu tư cho các dự án của mình.

Tín dụng nới lỏng cùng với chính sách cho vay dễ dàng trong nhiều năm qua đã để lại nhưng hậu quả khiến nhiều DN gánh chịu những bài học cay đắng. Cơn bão nợ nần, siết nợ, phải bán mình cho ngân hàng… đang buộc các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn về cơ cấu nguồn vốn.

Phát hành trái phiếu lãi cao

Dù việc việc phát hành trái phiếu DN trên thị trường vốn Việt Nam khá khó khăn do tính minh bạch của thị trường, của doanh nghiệp còn yếu kém. Tuy nhiên, một số DN có quy mô lớn và vừa gần đây đã tích cực đẩy mạnh kênh huy động vốn này.

Trong bối cảnh hơn 1 năm qua lãi suất ngân hàng ở mức cao và gần đây tín dụng được nới lỏng nhưng xem ra việc vay vốn ngân hàng không hề dễ khi các tiêu chuẩn cho vay ngày càng được xem xét kỹ càng hơn. Để bảo đảm tính thanh khoản cho hoạt động, bảo đảm các dự án được triển khai đúng tiến độ không ít doanh nghiệp lớn nhỏ đã và đang tính tới chuyện huy động nguồn vốn dài hạn thông qua trái phiếu với những nhiều điểm hấp dẫn.

Gần đây nhất, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho biết đã phát hành thành công 850 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 17/8 vừa qua. Số trái phiếu phát hành lần này được tập đoàn đa ngành của bầu Đức dùng để cơ cấu lại các khoản nợ ở các ngân hàng.

Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm và có lãi suất năm đầu tiên là 16%, 2 năm sau đó sẽ bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trung bình của chi nhánh 4 ngân hàng thương mại tỉnh Gia Lai bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank tại mỗi ngày xác định lãi suất, cộng biên độ 5%/năm. Thời gian trả lãi định kỳ 6 tháng 1 lần.

Có thể thấy, mức lãi suất trái phiếu nói trên khá cao so với mặt bằng chung mà các ngân hàng công bố, đang phổ biến ở mức 9 -14%/năm.

Mặc dù vậy, theo HAG, việc phát hành lần này không phải để huy động thêm vốn mà chỉ là để chuyển các khoản nợ ngắn hạn của tập đoàn này tại các ngân hàng thành trái phiếu doanh nghiệp. Phương án này sẽ nhằm giúp Hoàng Anh Gia Lai kéo dài thời gian trả nợ và cân đối lại tình hình tài chính của DN.

Bớt lệ thuộc NH: DN phát hành trái phiếu - 1

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã phát hành thành công 850 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 17/8.

Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang lên thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm (lãi suất cố định 14,5% năm đầu và thả nổi trong các năm tiếp theo, 12 tháng +3,8%/năm) để bổ sung vốn cho dự án bất động sản Mandarin Garden (sắp hoàn thành).
Thông tin chưa được doanh nghiệp xác nhận nhưng việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với 1 DN lớn như HPG và 1 số dự án của đơn vị này đang trong giai đoạn nước rút là rất hợp lý.

Với nhiều DN khác, việc phát hành trái phiếu được gắn với chữ “chuyển đổi” để tăng khả năng thành công nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt.

Trong 1 thông báo gần đây, CTCP Mía đương đường Lam Sơn (LSS) cho biết đã chào bán 1,5 triệu trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 100:3 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được mua 3 trái phiếu). Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng. Ngày phát hành trái phiếu là ngày 10/10/2012 và toàn bộ trái phiếu bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu tại ngày 10/10/2014 vởi tỷ lệ chuyển đổi là 1:10 (01 trái phiếu chuyển đổi thành 10 cổ phiếu).

Trái phiếu chuyển đổi của LSS có lãi suất 12%/năm. Cổ phiếu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng sau khi được chuyển đổi từ trái phiếu. Đây là số trái phiếu chuyển đổi nằm trong phương án chào bán 2 triệu trái phiếu chuyển đổi của LSS, trong đó 1,5 triệu trái phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, 300.000 trái phiếu chào bán cho người trồng mía và 200.000 trái phiếu chào bán cho CBCNV của Công ty. Tổng giá trị cổ phiếu chào bán tính theo mệnh giá là 200 tỷ đồng.

Cùng thời gian này, CTCP Gemadept (GMD) cũng cho biết đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 40 triệu USD cho Quỹ đầu tư Vietnam Investments Fund II, lãi suất cố định 6%/năm, thời hạn 5 năm.

Trái phiếu của GMD có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông sau 1 năm kể từ ngày phát hành (15/8/2012). Theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2012, GMD dự kiến phát hành từ 30 - 70 triệu USD trái phiếu chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư năm 2012 như dự án cảng Nam Hải - Đình Vũ là 15 triệu USD, phát triển dịch vụ logistics là 5,3 triệu USD, dự án trồng rừng tại Campuchia 14,5 triệu USD.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2012 tổ chức ngày 15/06, CTCP Kho vận Giao nhận Ngoại thương TPHCM (TMS) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành 1 triệu trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 2 năm với phương thức trả lãi định kỳ hàng năm cho các cổ đông hiện hữu. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu dùng để bổ sung vốn lưu động, vốn đầu tư và tái cơ cấu nguồn vốn của công ty.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù kênh huy động vốn qua trái phiếu là không dễ dàng, nhưng nhiều DN cũng đang tận dụng hết khả năng để có thể có được nguồn vốn ổn định, dài hạn này. Vấn đề có lẽ chỉ là ở chỗ, với các phương án phát hành trái phiếu như vậy các cổ đông của DN có thiệt thòi hay không và hiệu quả của việc sử dụng vốn đến đâu?

Cái giá phải trả

Trong trường hợp của HAG, lãi suất mà bầu Đức phải chấp nhận trả là khá cao. 16% trong năm đầu và 2 năm sau đó bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng thêm 5% rõ ràng là vượt hẳn so với mặt bằng chung hiện tại.

Mặc dù vậy, cái gì cũng có giá của nó. HAG đầu tư nhiều và dàn trải trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản cho tới cao su, thủy điện, khoáng sản… DN này đầu tư cả sang các nước láng giềng do vậy trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, tồn kho nhiều; các lĩnh vực khác chưa mang lại nhiều doanh thu, lợi nhuận cho tập đoàn này. Việc tiếp tục duy trì một loạt các dự án, đồng thời giảm khối nợ vay khổng lồ là cần thiết hơn bao giờ hết. Hoán đổi nợ thành trái phiếu có lẽ là 1 quyết định khó tránh khỏi.

Cũng trong vài ngày qua, HAG cho biết, dự án Hoàng Anh Thanh Bình của tập đoàn này sắp được mở bán và sẽ có giá giảm 50% so với giá thị trường khu vực.

Theo đánh giá của giới đầu tư, một loạt những quyết định gần đây cho thấy, HAG dường như đang cải thiện tình hình thanh khoản của mình. Đây là điều tối quan trọng đối với 1 DN. Và nếu bầu Đức thu về nhiều tiền và ở tình trạng dôi dư tiền mặt thì rất có thể ông sẽ chộp được những cơ hội ngon ăn trong thời khủng hoảng. Khi đó, mức lãi suất cao có thể không là gì cả.

Với nhiều đại gia khác, việc đảm bảo tính thanh khoản, đảm bảo tiến độ dư án và qua đó bảo đảm danh tiếng của mình thì chắc rằng việc chấp nhận phát hành trái phiếu giá cao cũng không là vấn đề gì quá lớn. Gần đây, việc phát hành trái phiếu quốc tế của một số tập đoàn lớn cũng gặp tình trạng tương tự là DN phải chấp nhận lãi suất cao. Đây là 1 điều khó tránh khỏi tại Việt Nam khi mà thị trường trái phiếu DN chưa phát triển và sự minh bạch chưa cao.

Với các DN nhỏ hơn, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi (cho các đối tác) có lẽ cũng là 1 thiệt thời bởi các điều kiện chắc chắn phải hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, về tổng thể, việc huy động vốn kịp thời có lẽ là quan trọng hơn cả.

Mặc dù vậy, trong 1 số trường hợp việc huy động vốn mà không tính hết hiệu quả của dự án, không tính được nguồn trả nợ hoặc bắt buộc đâm lao phải theo lao hoặc đơn giản là buộc phải huy động để trả nợ… thì khó khăn có thể sẽ là lớn hơn đối với doanh nghiệp.

Trong 1 thông báo gửi UBCK gần đây, Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cho biết gói 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi đáo hạn ngày 4/8/2012 vừa qua công ty đã phải đàm phán kéo dài thời gian trả nợ cho các trái chủ do điều kiện tài chính chưa thuận lợi.

Và để giải quyết tình tình trạng khó khăn về thanh khoản, đại diện NBB cho hay đơn vị này đang làm việc với một số đối tác để thực hiện chào bán trái phiếu. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị công ty cũng vừa thông qua kế hoạch tăng vốn bằng cách chào bán 2 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Có thể thấy, việc huy động vốn bằng cách nào cũng cần thiết, đặc biệt là huy động vốn qua phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào ngân hàng, giảm được việc dùng tiền vay ngắn hạn đầu tư cho dài hạn…

Tuy nhiên, huy động với lãi suất cao ắt hẳn không phải là là lựa chọn tối ưu. Ở bất kỳ nước nào, việc vay vốn lên tới 15-16%, thậm chí cao hơn, thì khả năng mang về tỷ suất lợi nhuận cao cho DN là vô cùng khó khăn. Không những thế, nhiều khoản tiền vay được dùng đầu tư tràn lan, vào hàng loạt dự án mà không biết tương lai sẽ như thế nào cũng là 1 điều phải cân nhắc.

Sự đổ vỡ hoặc ngấp nghé phá sản của một loạt các DN bất động sản trong thời gian vừa qua là bài học đắt giá với những người quản trị DN. Phát triển nhanh là cần thiết nhưng không phải nhất thiết phát triển nóng bằng mọi giá bởi khi mà DN rơi vào tình trạng khó khăn, mất hoặc kém thanh khoản thì việc phải chịu những điều kiện áp đặt khắt khe là khó tránh khỏi. Đó là chưa muốn nói đến khả năng phải bỏ của, bán mình cho các thế lực khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN