Bị lừa tiền tỉ, kiện được cũng thua!
Các doanh nghiệp Việt Nam nên tránh việc tìm khách hàng qua mạng.
Theo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các chuyên gia, đa số doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị lừa trong mua bán quốc tế là do chủ quan, không nắm thông tin phía đối tác, ham lợi... Khi xảy ra chuyện thì luật pháp để bảo vệ các nạn nhân lỏng lẻo. Vậy các DN cần làm gì để hạn chế rủi ro?
Bên trong container này là cát, đá mà Công ty Vàng Phước Sơn nhập về thay vì hóa chất dùng trong khai thác vàng. Ảnh: T.TÀI
Nên thanh toán bằng L/C
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thủ đoạn lừa đảo của các đối tác nước ngoài là không thanh toán bằng tín dụng thư (L/C - người mua phải mở thư tín dụng tại ngân hàng đảm bảo thanh toán cho người thụ hưởng). Những kẻ lừa đảo chọn phương thức thanh toán DP (thanh toán bằng DP là nhà xuất khẩu thông qua ngân hàng của mình gửi bộ chứng từ nhờ thu đến ngân hàng của nhà nhập khẩu, nhà nhập khẩu thanh toán tiền hàng mới được nhận bộ chứng từ). Bộ chứng từ được gửi thông qua ngân hàng phía Việt Nam để gửi sang ngân hàng họ yêu cầu, tuy nhiên địa chỉ này là của khách hàng chứ không phải địa chỉ ngân hàng. Và khách hàng thường “ôm hận” khi chọn cách thanh toán này.
Còn ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết trong giao dịch thương mại quốc tế có rất nhiều hình thức thanh toán và không có phương thức nào tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, mức rủi ro sẽ thấp nếu sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín và hạn chế cho khách hàng trả chậm. “DN tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) vì rất dễ bị mất hàng. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh” - ông Giang khuyên.
Cẩn trọng vì pháp luật khó bảo vệ
Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM, trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), DN bị lừa hoặc bị thiệt thòi khi mua bán hàng hóa với DN nước ngoài không hiếm. Thế nhưng các biện pháp bảo vệ DN của chúng ta trong những trường hợp này hầu như không có và nếu có thì cũng không khả thi.
“Tôi cho rằng chỉ còn một cách là pháp luật của chúng ta nên sửa theo hướng tạo điều kiện để cho DN yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sớm hơn. Vì hầu hết giao dịch về tiền hiện nay đều thông qua một ngân hàng của nước ngoài tại Việt Nam mà DN nước ngoài yêu cầu chuyển hoặc mở tín dụng thư qua ngân hàng. Vậy ngay sau khi phát hiện mình bị lừa dối, bị lừa đảo thì luật Việt Nam nên cho quyền DN của mình yêu cầu tòa áp dụng lệnh phong tỏa tài khoản ngay để tránh mất tiền. Có như vậy mới phần nào bảo vệ DN trong những trường hợp như thế này. Còn như hiện nay thì sau khi khởi kiện DN Việt mới có thể yêu cầu tòa phong tỏa tài khoản, như vậy quá trễ” - ông nói.
“Kẽ hở của pháp luật hiện nay là chưa thể bảo vệ hữu hiệu khi DN Việt bị DN nước ngoài lừa đảo hoặc lừa dối. Đối với các nước mà Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp thì thủ tục khởi kiện và tống đạt các văn bản liên quan còn dễ, chứ các nước còn lại thì vô cùng khó. Đặc biệt nếu DN lừa lại là DN ảo tại nước ngoài thì xem như vô phương lấy lại tiền đã mất. Do vậy chỉ còn một cách hữu hiệu nhất là nhờ các cơ quan đại diện ngoại giao can thiệp. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng nên hỗ trợ các DN Việt Nam bằng cách chủ động tiếp nhận những vụ việc tương tự để tổng hợp và đề xuất hướng bảo vệ quyền lợi của họ”. Một giảng viên khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật Hà Nội nói.