Bất động sản Châu Á sôi động
So với các nước trong cùng khu vực như Campuchia, Thái Lan, thị trường BĐS Việt Nam vẫn chưa thực sự mở cửa cho người nước ngoài mua nhà bởi nhiều vướng mắc.
Tính đến hết năm 2011, mới chỉ có chưa đến 300 trường hợp cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo con đường “chính thức”. Trong khi đó, một số nước tại châu Á đã trải qua những thay đổi đáng kể từ khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS. Đơn cử như Hong Kong, Malaysia và Singapore là những nước có chính sách rộng mở nhất đối với việc cho phép người nước ngoài mua BĐS.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Trước đây quốc gia này chỉ cho người nước ngoài mua chung cư, giờ thì họ đã cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch. Người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hằng năm tùy theo giá trị căn nhà. Nhờ đó, thị trường BĐS càng phát triển và nhà nước thu được nhiều thuế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng, Singapore lại mở rộng luật về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và lần đầu tiên thực hiện cho phép người nước ngoài sở hữu biệt thự đất nền tại đảo Sentosa, nhắm đến những nhà đầu tư ngoại. Đây đã trở thành chủ trương thành công vang dội của BĐS Singapore.
BĐS Singapore được đánh giá hấp dẫn nhất khu vực.
Một nhìn nhận khác được ông Alan Cheong, Giám đốc cấp cao Tư vấn và Nghiên cứu bất động sản Savills Singapore đưa ra, rằng, Singapore có thể là điểm đến đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư bất động sản quốc tế.
Theo phân tích của công ty Savills, Singapore được coi là nơi an toàn cho các nhà đầu tư cho dù mức thuế mua nhà cho người nước ngoài là 15%. Thị trường bất động sản Singapore có diện tích nhỏ, nhưng lại thu hút nhiều người nước ngoài đến làm việc và sinh sống, do vậy nhu cầu bất động sản không ngừng tăng.
Láng giềng với Singapore, Malaysia cũng là một điểm đến tin cậy với người nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, là một trong số những quốc gia có các quy định về tự do, cởi mở nhất trong khu vực về sở hữu nước ngoài đối với BĐS, Malaysia đã trở thành một trong những thị trường BĐS hấp dẫn nhất ở châu Á. Chương trình My Second Home do Chính phủ Malaysia phát động đã thu hút được gần 20.000 người đến sinh sống và làm việc tại đây kể từ năm 2002.
Biệt thự nghỉ dưỡng tại Thái Lan được người nước ngoài ưu chuộng.
Một trong những điểm quan trọng thu hút người nước ngoài chọn Malaysia để sinh sống chính là việc sở hữu nhà đất. Giá tối thiểu của một bất động sản được quy định là 250.000 RM (khoảng 1,7 tỷ đồng), và mới đây lại được tăng lên gấp đôi từ 1/1/2013. Bên cạch các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các ngân hàng cũng hỗ trợ người mua nước ngoài mà giảm lãi suất và đưa ra các lựa chọn ưu đãi cho những người mua đó.
Số liệu chính thức từ Malaysia Property Inc. cho biết giá trị giao dịch BĐS của Malaysia năm 2011 vào khoảng 127,8 tỷ RM, tăng 28% so với 207,4 tỷ RM năm 2010. Khoảng 2% của con số này là giao dịch bất động sản với người nước ngoài. Joho Baru, một thành phố của Malaysia, giao dịch bất động sản do người nước ngoài ở đây tăng mạnh nhất trong năm 2 năm vừa qua. Chỉ trong nửa đầu năm 2010, người nước ngoài chỉ chiếm 4% các giao dịch BDS tại Johor, với giá trị trung bình khoảng 1 triệu RM. Nhưng trong cùng kỳ năm 2011, con số này lên tới 25%.
Tương tự, Thái Lan cũng là một nơi hấp dẫn của người nước ngoài. Không chỉ nổi tiếng về du lịch, Thái Lan còn tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể sở hữu một số loại hình bất động sản. Phân khúc mua của người nước ngoài là một phần quan trọng của thị trường BĐS Thái Lan. Điều này không chỉ giúp Thái Lan giải quyết vấn đề của thị trường BĐS mà còn gia tăng đáng kể cho các ngành dịch vụ liên quan, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời không gây ra các rủi ro lớn về vấn đề chủ quyền hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến các điều kiện xã hội hoặc kinh tế.
Tính riêng phân khúc nhà ở tại Bangkok, người mua là người nước ngoài chiếm gần 20% thị trường, ở các khu vực khác như Pattaya, nhu cầu thị trường là 80% so với tỷ lệ 20% của nhu cầu trong nước. Tại Phuket, nhu cầu BĐS nghỉ dưỡng hầu hết là của người nước ngoài.
Chính phủ Thái Lan cho phép các ngân hàng cho người nước ngoài vay để đảm bảo cho các BĐS sẽ có lợi đáng kể cho các chủ đầu tư BĐS nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng, nhà thầu xây dựng và hệ thống ngân hàng, vì tất cả đầu tư trong nước hiện nay là 100% trên cơ sở tiền mặt
Cư dân người Anh sinh sống ở Thái Lan đang chiếm số lượng đông đảo nhất trong số người nước ngoài ở đây, kế đến là người Mỹ và Đức. Tính đến năm 2011, có tổng cộng 35.000 cư dân của 3 quốc gia này đã chọn Thái Lan làm quê hương thứ hai của mình. Và bãi biển Phuket là điểm đến phổ biến của công dân Anh. Chính phủ Thái Lan cũng cấp visa dài hạn cho người nước ngoài trên 50 tuổi với thủ tục gia hạn cực kỳ đơn giản.
Nhìn lại Việt Nam, chính sách cho người nước ngoài mua nhà đã mở nhưng vẫn còn hẹp. Theo nhiều chuyên gia, để thu hút người nước ngoài cần có những chính sách thiết thực hơn để họ chọn Việt Nam không chỉ là nơi đầu tư hấp dẫn mà còn an tâm định cư lâu dài.