100% cổ phiếu đại gia “ngã ngựa”
Tất cả cổ phiếu đại gia ngã ngựa khiến thị trường chứng khoán giảm sâu.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Những phiên điều chỉnh giảm liên tiếp của thị trường chứng khoán chưa đưa giá cổ phiếu xuống mức đủ hấp dẫn để nhà đầu tư nổi “lòng tham”. Chính vì vậy, áp lực bán ra vẫn mạnh lên trong khi lực cầu lại yếu dần dù thông tin giá xăng giảm ít nhiều kéo VN-Index đi lên tại thời điểm đầu phiên.
Giá xăng chỉ giúp VN-Index duy trì được sắc xanh trong hơn nửa tiếng đầu phiên. Sau đó, sắc đỏ loang kín bảng giao dịch điện tử. Giao dịch èo uột nhưng VN-Index giảm không quá sâu. Tuy nhiên, tới cuối phiên, VN-Index bất ngờ lao dốc. Đóng cửa phiên giao dịch 14/10, VN-Index giảm 8,43 điểm, tương ứng 1,37% và đóng cửa ở mức 605,79 điểm.
Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đi xuống. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115.310.870 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.069,81 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 2.409.110 cổ phiếu, tương ứng 86,76 tỷ đồng, giảm mạnh và đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 66 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 181 mã giảm giá.
VN30-Index giảm mạnh hơn VN-Index một chút. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/10, VN30-Index giảm 9,94 điểm, tương ứng 1,53% dừng ở mức 641,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38.194.800 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 929,39 tỷ đồng, giảm khá mạnh. Nhóm VN30-Index có 0 mã tăng giá, 1 mã đứng giá và 29 mã giảm giá.
100% blue-chip trên sàn thành phố Hồ Chí Minh giảm giá và có tới 29 mã giảm giá. PVD giảm 2.000 đồng/CP xuống 96.000 đồng/CP. HPG giảm 2.000 đồng/CP xuống 56.500 đồng/CP. FPT giảm 1.500 đồng/CP xuống 52.000 đồng/CP. HCM giảm 800 đồng/CP xuống 38.500 đồng/CP. PPC giảm 700 đồng/CP xuống 24.100 đồng/CP. SSI giảm 800 đồng/CP xuống 30.200 đồng/CP.
Thị trường giảm sâu nhưng cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn giao dịch khá lạc quan, trong đó nhiều mã tăng trần. CLG tăng 500 đồng/CP lên 8.700 đồng/CP. CTI tăng 800 đồng/CP lên 12.400 đồng/CP. DRH tăng 300 đồng/CP lên 4.700 đồng/CP. THG tăng 900 đồng/CP lên 14.400 đồng/CP.
Ảnh minh họa
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội cũng giằng co mạnh và tuột dốc cuối phiên. Đóng cửa phiên giao dịch 14/10, HNX-Index giảm 0,9 điểm, tương ứng 1% và đóng cửa ở mức 89,52 điểm. Trái ngược với sàn thành phố Hồ Chí Minh, thanh khoản trên sàn Hà Nội cải thiện nhẹ.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 64.634.221 cổ phiếu, tương ứng 1.005,610 tỷ đồng, tăng nhẹ cẩ về khối lượng lẫn giá trị. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 2.427.213 cổ phiếu, tương ứng 62,22 tỷ đồng, tăng nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 74 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 151 mã giảm giá.
HNX30-Index không duy trì được sắc xanh như phiên đầu tuần. Chốt phiên ngày 14/10, HNX30-Index giảm 3,1 điểm, tương ứng 1,68% và đóng cửa ở mức 180,96 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 40.240.800 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 610,031 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với hôm qua. Trong nhóm ghi nhận 3 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 23 mã giảm giá.
Số lượng blue-chip tăng giá trên sàn Hà Nội dù khiêm tốn nhưng vẫn cao hơn con số 0 của sàn thành phố Hồ Chí Minh. TCT tăng 3.900 đồng/CP lên 88.000 đồng/CP. PVS tăng 200 đồng/CP lên 43.100 đồng/CP. EID tăng 100 đồng/CP lên 13.500 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, blue-chip giảm khá sâu. Trong đó BCC ấn tượng nhất khi giảm sàn. BCC giảm 1.400 đồng/CP xuống 12.900 đồng/CP. Trong phiên, có thời điểm BCC tăng nhẹ, vượt lên trên giá tham chiếu nhưng thời gian giao dịch trong sắc xanh của BCC khá ngắn ngủi.
Một số blue-chip khác giảm mạnh có thể kể đến như LAS giảm 800 đồng/CP xuống 32.600 đồng/CP; PGS giảm 800 đồng/CP xuống 36.700 đồng/CP; SD9 giảm 700 đồng/CP xuống 15.400 đồng/CP; SDT giảm 700 đồng/CP xuống 17.000 đồng/CP.