Xuất hiện 'mạng nhện' ở chân, dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm

Sự kiện: Sống khỏe

Trong chuyến hành hương đầu năm, đoàn chúng tôi có một bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân khá nặng. Mấy ngày đầu cô còn có thể cố gắng theo đoàn, về sau phải nghỉ lại ở khách sạn để chờ mọi người. Biết tình trạng của cô, một số thành viên nữ chỉ 30-40 tuổi cũng cho biết, họ bị giãn tĩnh mạch chân từ một vài năm nay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới. Về mặt bệnh lý, các triệu chứng diễn ra âm thầm và không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, hiện nay có nhiều ca bệnh để lại biến chứng nguy hiểm vì không được phát hiện kịp thời.

Suy giãn tĩnh mạch chân có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.

Suy giãn tĩnh mạch chân có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.

Bệnh phổ biến của phụ nữ

Theo bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), giãn tĩnh mạch chân (chi dưới) hay còn gọi là suy tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi - do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Tuy nhiên hiện nay nó đang xuất hiện nhiều ở những người trẻ. Nữ giới thường bị giãn tĩnh mạch chân nhiều hơn so với nam giới.

Bệnh này phản ánh tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, khiến cho việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như: đau, sưng, nặng chân về chiều.

Mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến cảm giác khó chịu ở chân gia tăng như: căng tức ở bắp chân, mỏi chân... và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da.

Người bị suy giãn tĩnh mạch chân thường thấy xuất hiện những đường gân như mạng nhện.

Người bị suy giãn tĩnh mạch chân thường thấy xuất hiện những đường gân như mạng nhện.

Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, những biểu hiện khác của giãn tĩnh mạch chân có thể là: sưng, mỏi chân; nặng bắp chân; kiến bò dọc cẳng chân; chuột rút ban đêm... Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm đến nó mà chỉ nghĩ do mỏi chân vì đi cả ngày, đôi giày quá chật hoặc do thay đổi thời tiết...

Nguyên nhân của bệnh

Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch chân chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do: Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân. Ngoài ra còn có thể do chế độ làm việc. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn, người mang thai nhiều lần, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu dễ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân.

Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu dễ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân.

Phòng và chữa bệnh

Để ngăn chặn tiến triển của bệnh giãn tĩnh mạch chân, bệnh nhân cần để chân cao khi nằm nghỉ, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón, bỏ thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc… song song với điều trị bằng thuốc.

Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao về suy tĩnh mạch như phụ nữ trong độ tuổi 35-50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy... Đối với những bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch khi đi xa, nên chú ý không ngồi lâu một chỗ, kể cả trên xe ô tô thì cứ 30 phút lại thay đổi tư thế để giúp máu lưu thông dễ dàng. Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân chưa biết đến một dụng cụ hỗ trợ là tất y khoa. Nguyên lý điều trị của loại tất này là tạo áp lực mô phỏng theo áp lực sinh lý bình thường của cơ thể để giúp máu lưu thông tốt hơn.

Tất y khoa có thể hỗ trợ điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nhưng không giải quyết dứt điểm được bệnh này.

Tất y khoa có thể hỗ trợ điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nhưng không giải quyết dứt điểm được bệnh này.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, tất y khoa không giải quyết dứt điểm được bệnh này. Nó chỉ là công cụ hỗ trợ những trường hợp phải di chuyển nhiều. Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, vận động hợp lý và thăm khám dùng thuốc theo chỉ dẫn mới là phương án lâu dài để chung sống hòa bình với bệnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi nhìn vào chân của bạn, nếu có những dấu hiệu bất thường sau đây thì nên cẩn thận kiểm tra sớm, bởi có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đạt Nhi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN