WHO: Tìm nguyên nhân bệnh “lạ” là thử thách
Đã có hai chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đến Quảng Ngãi hỗ trợ điều tra nguyên nhân gây bệnh “lạ” viêm dày sừng da bàn tay bàn chân tại đây.
Tuy nhiên, hôm qua 19-6, thông tin từ Bộ Y tế cho hay báo cáo ban đầu về căn bệnh này của các chuyên gia y tế VN, CDC và WHO cho thấy vẫn chưa tìm thấy căn nguyên gây bệnh, mặc dù có vẻ các nhà khoa học đang ngày càng tiến gần hơn tới đích.
Do nhóm độc tố nấm mycotoxin?
Các điều tra của Bộ Y tế, WHO và CDC phát hiện một số bệnh nhân ăn gạo thu hoạch từ vụ mùa trước và tìm thấy nấm mốc aflatoxin trong một số mẫu gạo, nhiều bệnh nhân bị suy dinh dưỡng và có tổn thương gan.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng kim loại nặng hay hóa chất nông nghiệp có hàm lượng cao trong các mẫu bệnh phẩm của người và môi trường khu vực xuất hiện bệnh. Đặc biệt, cũng không tìm thấy bằng chứng do căn nguyên nhiễm trùng dẫn đến căn bệnh này.
Thực hiện các biện pháp sàng lọc nguyên nhân, Bộ Y tế cho rằng nhóm nấm mycotoxin, trong đó có aflatoxin, có khả năng là căn nguyên dẫn đến bệnh nhiều hơn cả.
Theo đó, khả năng dioxin rất ít, thậm chí rất hiếm hoi là nguyên nhân, do nếu liên quan đến dioxin thì hậu quả là tỉ lệ trường hợp dị tật bẩm sinh cao, nhưng điều này không đúng với hiện tượng bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi. Nếu ngộ độc cấp tính, biểu hiện phải bùng phát mạnh, biến dạng hết cả da mặt như một cựu lãnh đạo Ukraine từng gặp phải do bị đầu độc. Trong khi hiện tượng ở Quảng Ngãi đều có tổn thương gan, mà phơi nhiễm lâu dài với aflatoxin hàm lượng cao có thể dẫn đến tổn thương gan (tại Quảng Ngãi, aflatoxin đã được phát hiện trong nhiều mẫu thóc, gạo ủ, người dân ở đây có tập quán ăn gạo ủ).
Chưa phát hiện nguyên nhân, phải làm gì?
Trong thời gian chưa phát hiện được căn nguyên của bệnh, đã có nhiều ý kiến xử trí tình hình. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi đã có đề xuất di dời toàn bộ người dân sống khu vực xã Ba Điền (vùng có số lượng bệnh nhân đông nhất trong năm xã bệnh “lạ”), nhưng ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đã cho rằng cần cân nhắc thật kỹ đề xuất này, do thời gian qua chỉ đưa người bệnh đi bệnh viện họ đã không quen và nhiều người đã trốn bệnh viện về.
Bệnh nhân mắc bệnh “lạ” điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ - Ảnh: TTO
Nếu di dời một cộng đồng lớn trên 1.400 người, với những tập quán, phong tục nhiều đời sẽ rất khó. Trước mắt, để hạn chế người mắc và tái phát, người dân nên sử dụng gạo trắng do địa phương cung cấp, dùng vitamin và dinh dưỡng bổ sung, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, đồng thời phát hiện bệnh nhân sớm và kịp thời đưa tới cơ sở y tế.
Một biểu hiện lặp lại là số bệnh nhân mắc mới/tái phát bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân trong khoảng hai tuần qua đã giảm mạnh, tương tự năm 2011 hầu như không có bệnh nhân mắc mới trong hai tháng 6-7.
Bộ Y tế cho hay thời gian quý báu này sẽ dành để tìm kiếm những khả năng can thiệp, tránh lặp lại hiện tượng gia tăng ồ ạt số mắc và tử vong như đầu năm 2012. WHO cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ VN về kỹ thuật, nhưng khuyến cáo “việc tìm nguyên nhân có thể kéo dài hơn dự kiến và là thử thách”. Bởi theo WHO, bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi chưa từng thấy trên thế giới.