“Vùng trắng” vắc-xin đe dọa trẻ

Các bậc cha mẹ săn lùng vắc-xin dịch vụ, kể cả nguồn xách tay, để tiêm cho trẻ chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”.

Hơn một năm qua, cơn sốt vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” dường như không có hướng giảm. Gần đây, thông tin về hàng chục ngàn liều vắc-xin “5 trong 1” dịch vụ vừa nhập về Việt Nam lại dậy lên làn sóng săn lùng loại vắc-xin này.

Khan hiếm sẽ kéo dài

Tại hội thảo khoa học liên quan đến vắc-xin tổ chức sáng 22-12 ở Hà Nội, vấn đề khan hiếm vắc-xin dịch vụ đã được nhiều đại biểu phân tích.

“Vùng trắng” vắc-xin đe dọa trẻ - 1

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tìm các nguồn vắc-xin không rõ nguồn gốc để tiêm cho trẻ

GS-TSKH Phạm Ngọc Đính, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho rằng nguồn cung vắc-xin dịch vụ chưa dồi dào, giá bán cao… Theo GS Đính, có những loại vắc-xin dịch vụ giá tới 700.000 đồng/liều nhưng vẫn cháy hàng, cho thấy người dân có tiền nhưng vẫn không có cơ hội tiếp cận vắc-xin dịch vụ.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định năm 2016, việc nhập vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” từ Pháp, Bỉ vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do các nước sản xuất vắc-xin chỉ làm theo các hợp đồng lớn, đặt hàng cách đây 2-3 năm. Do đó, họ không thừa để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam. “Hiện nay, cơn sốt tìm kiếm vắc-xin dịch vụ tại một số thành phố lớn đã khiến nhiều trẻ rơi vào “vùng trắng” nguy hiểm, do không được tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Điều này đe dọa tính mạng của các cháu và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng” - ông Phu cảnh báo.

Ông Phu cho rằng việc các bậc cha mẹ săn lùng vắc-xin dịch vụ, kể cả nguồn xách tay, để tiêm cho trẻ chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”. “Thức ăn, hàng hóa không rõ nguồn gốc còn được khuyến cáo không nên sử dụng. Trong khi đó, tiêm vắc-xin tức là đưa một loại thuốc vào cơ thể, nếu gặp sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình thì rất dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm cho người được tiêm” - ông Phu phân tích.

Trước tình hình nhiều phụ huynh đặt tiền “chờ” vắc-xin dịch vụ hoặc đưa con ra nước ngoài tiêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng đây cũng là nhu cầu chính đáng của người dân. Ông Long khuyến cáo tình hình khan hiếm vắc-xin dịch vụ sẽ còn kéo dài, người dân không nên chờ đợi quá lâu dẫn đến mất cơ hội phòng bệnh cho trẻ. Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý dược và các cơ quan nhập khẩu vắc-xin tìm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước. Không chỉ Việt Nam, khan hiếm vắc-xin vô bào đang là tình trạng toàn cầu.

Thành tựu lớn nhưng dân vẫn lo về vắc-xin

Theo GS Phạm Ngọc Đính, “cơn khát” vắc-xin sẽ được giải tỏa nếu như cơ quan quản lý bảo đảm nguồn vắc-xin dịch vụ cho người dân. Hiện tượng người dân đổ xô đi mua vắc-xin dịch vụ giá cao hoặc ra nước ngoài tiêm chủng chỉ là cá biệt. “Nếu cho rằng vắc-xin dịch vụ an toàn hơn vắc-xin miễn phí là không công bằng, bởi không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối. Trong 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu trẻ khỏi mắc 5 bệnh truyền nhiễm (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt) nhờ tiêm vắc-xin và phòng tránh gần 43.000 ca tử vong do các bệnh này” - GS Đính khẳng định. Tuy nhiên, GS Đính đề nghị cơ quan quản lý cần có những bằng chứng thuyết phục hơn trước những sự cố liên quan đến vắc-xin để tạo niềm tin cho người dân.

Trước thông tin cho rằng thị trường vắc-xin dịch vụ đang hỗn loạn, ông Trần Đắc Phu thừa nhận có một số đối tượng lợi dụng để trục lợi. “Đây là hành vi mà Bộ Y tế nghiêm cấm. Quan điểm của bộ là sẽ xử lý nghiêm khắc, thậm chí đề nghị xử lý hình sự hành vi trục lợi” - ông Phu nhấn mạnh. Theo ông Phu, để ngăn chặn buôn bán “chui” vắc-xin, Bộ Y tế đã công bố đường dây nóng để người dân phản ánh những cơ sở, cá nhân tung tin thất thiệt vì mục đích trục lợi trong thời điểm “khát” vắc-xin dịch vụ.

Theo quy định, Bộ Y tế chỉ cho phép những cơ sở đủ điều kiện mới được phép nhập khẩu vắc-xin. Với các loại vắc-xin dịch vụ khi nhập về Việt Nam cũng phải bảo đảm không cao hơn giá kê khai với cơ quan quản lý. Hiện giá vắc-xin “5 trong 1” được kê khai tại Cục Quản lý dược là 630.000 đồng/liều.

Việt Nam chờ vắc-xin nội

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vắc-xin nhằm đủ cung cho thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Hiện vắc-xin “6 trong 1” với thành phần vô bào ho gà đang được sản xuất. Ba công ty được phân công đã sản xuất thành công 4 loại vắc-xin, còn 2 loại đang chờ Nhật và Mỹ chuyển giao công nghệ. Việc phối trộn các vắc-xin này cũng đang được cân nhắc. Dự tính, đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất thành công vắc-xin “6 trong 1” vô bào và đưa vào thử nghiệm, năm 2020 sẽ được đưa ra thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN