Vì sao phải truyền dịch cho người bệnh?

Khi ốm, ăn uống kém hoặc nôn nhiều mà không thể bù lại lượng nước đã mất bằng đường ăn uống thì phải bù lại bằng đường truyền.

Vì sao phải truyền dịch cho người bệnh? - 1

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, phải truyền dịch ở cơ sở y tế. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lý giải, cơ thể con người có 50-60% trọng lượng là nước. Hàng ngày cơ thể thải ra khoảng 2,5 -3 lít nước (đi tiểu khoảng 1,5 lít, qua hơi thở khoảng 0,4-0,5 lít, mồ hôi 0,3-0,5 lít, phân 0,2 lít). Số lượng nước thải ra sẽ tăng lên khi vận động, vã mồ hôi nhiều hoặc ở  trong môi trường nóng hoặc bị sốt cao. Do đó, con người cần bù lại lượng nước trên qua ăn, uống.

Cũng theo bác sĩ Cấp, trong trường hợp, khi ốm ăn uống kém hoặc nôn nhiều mà không thể bù lại lượng nước đã mất bằng đường ăn uống thì phải bù lại bằng đường truyền. Ngoài nước, cơ thể còn cần những loại điện giải khác như Natri, Kali, Clo.. Những điện giải này cũng được hấp thu qua đường ăn uống như nước, nhưng nếu không đảm bảo cân bằng thì cần phải truyền vào bằng những loại dịch truyền có chứa các điện giải này.

Trong trường hợp bệnh nhân nặng, không thể uống thuốc hoặc không có loại thuốc phù hợp dùng qua đường uống thì truyền dịch pha thuốc cũng là một con đường đưa thuốc vào cơ thể.

Bác sĩ Cấp cho biết, dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất, ngoài ra có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.

Vì sao phải truyền dịch cho người bệnh? - 2

Ăn uống kém, mất nước thì các bác sĩ hay chỉ định truyền dịch.

Tuy vậy, các bác sĩ cảnh báo có thể có những nguy hiểm xảy ra khi truyền dịch không đúng cách.

Mặc dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng những tai biến có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột. Do đó, việc truyền dịch làm sao cho an toàn, đảm bảo không tai biến, không dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải lại là chuyện không phải ai cũng có thể kiểm soát. Do vậy, về nguyên tắc việc truyền dịch phải được thực hiện ở cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn có dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến.

Các tai biến khi truyền dịch có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng hơn có thể gây viêm tĩnh mạch nhất là khi truyền các loại nước biển ưu trương. Nhưng một tai biến nguy hiểm có thể đến bất ngờ, đó là phản ứng toàn thân. Lúc đó, bệnh nhân cảm giác rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực. Khi gặp tình huống này, phải được nhân viên y tế có chuyên môn, kinh nghiệm xử trí kịp thời nhằm tránh những diễn tiến nguy hiểm hơn.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân đừng nghĩ dịch truyền một biện pháp tối ưu cho sức khỏe, bởi dịch truyền chỉ thực sự có lợi khi cơ thể chúng ta cần thiết. Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối; Người bệnh phải được theo dõi thật sát trong suốt quá trình truyền dịch, để khi xảy ra tai biến hay biến chứng sẽ được xử trí cấp cứu kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
1001 câu hỏi vì sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN