Vì sao nhiều trẻ bị gãy xương khi mới chào đời?
Hiện vẫn còn nhân viên y tế, bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ quy định dẫn đến tai biến y khoa đáng tiếc.
Trẻ sơ sinh bị gãy xương đòn sau đẻ ở Quảng Trị tháng 11/2016
Vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ gãy xương trẻ sơ sinh khi chào đời ở một số bệnh viện tuyến tỉnh khiến dư luận xôn xao về chất lượng bác sĩ tuyến dưới.
Ngày 14/11/2016, sản phụ Trần Thị Thảo T (Vĩnh Linh, Quảng Trị) sinh 1 bé gái, nặng 4,8 kg, ngạt tím tái, được chẩn đoán gãy xương đòn bên trái, liệt tay phải, phổi xẹp một phần... Sau đẻ, bệnh viện đã xác nhận sự việc trên và thực hiện chăm sóc, điều trị tích cực cho trẻ sơ sinh.
Trước đó, tháng 10/2016, sản phụ Nguyễn Thu Trang, Đông Anh, Hà Nội) đã sinh mổ ở khoa Sản (BV Sản - Nhi Hưng Yên) bị gãy chân phải. Ngay sau đó, BV thừa nhận bé đã bị gãy chân phải trong khi mổ.
Tháng 8/2016, một sản phụ ở An Giang sau khi mổ đẻ, người nhà phát hiện bé bị dị tật bẩm sinh. Hoang mang và nghi ngờ, gia đình đưa bé sơ sinh đi kiểm tra thì xác nhận trẻ bị gãy xương đùi trái.
Ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác về các tai biến y khoa. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia y tế, tai biến y khoa thường hay xảy ra ở lĩnh vực sản khoa và ngoại khoa.
Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, hiện vẫn còn nhân viên y tế chưa làm đúng quy trình dẫn đến tai biến y khoa
Ngày 20/12, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tai biến y khoa hay xảy ra ở lĩnh vực sản khoa. Bởi "chửa cửa mả" để thấy được mức độ hay xảy ra những bất thường của phụ nữ mang thai.
Rất nhiều sản phụ vào viện trong trạng thái bình thường nhưng sau khi bắt đầu chuyển dạ, sản phụ có rất nhiều diễn biến bất thường nếu không tiên lượng và chăm sóc, theo dõi chu đáo thì dễ xảy ra các tai biến.
Trong lĩnh vực ngoại khoa, lãnh đạo Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, lĩnh vực này cũng phức tạp không kém. Nếu không thực hiện đúng quy trình và theo dõi, chẩn đoán chăm sóc chu đáo thì cũng dễ xảy ra tai biến.
Ông Lương Ngọc Khuê lý giải, xảy ra tai biến y khoa trong thời gian gần đây là do điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân lực..., cán bộ y tế chưa quan tâm nhiều đến an toàn người bệnh, không chấp hành đúng quy trình chăm sóc, điều trị, thực hành kỹ thuật y khoa, và các điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn….
Ngoài ra, hiện vẫn còn nhân viên y tế, bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ quy định, dẫn đến tai biến y khoa đáng tiếc.
Tại BV Bạch Mai – Bệnh viện lớn nhất khu vực miền Bắc, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho rằng, bệnh viện quá tải cũng là một trong nhiều lý do có thể dẫn đến tai biến trong khám chữa bệnh.
Theo ông Dương Đức Hùng cho rằng, trong tương lai nếu coi ngành y là ngành cung cấp dịch vụ, thì rất cần có luật và quy định rõ ràng về tai biến y khoa, tránh tình trạng các bên đều lúng túng khi không có cơ sở để xử lý theo pháp luật.
Các bệnh viện phải tự giác báo cáo tai biến y khoa Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đã đưa việc báo cáo về tai biến y khoa và an toàn người bệnh là một chỉ tiêu "cứng" trong báo cáo kiểm tra bệnh viện hàng năm. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta mới có thống kê từ các báo cáo kiểm tra bệnh viện về số lượng tai biến y khoa, nhưng số liệu được thống kê chưa đầy đủ. Một số bệnh viện và cá nhân thầy thuốc còn lo sợ bị kiểm điểm, vì "bệnh thành tích" nên báo cáo chưa chính xác. “Bộ rất khuyến khích các bệnh viện tự giác báo cáo đầy đủ, đồng thời sẽ động viên khen thưởng những đơn vị báo cáo đúng và khắc phục ngay các sự cố”, ông Khuê nói. |