Vén màn bí mật khoa học tẩy xóa ký ức "theo nhu cầu"
Một bộ phim tài liệu mới từ kênh truyền hình giáo dục PBS về các đột phá mới trong khoa học giúp chúng ta có thể “điều chỉnh” được ký ức cũng như tạo ra được những ký ức hoàn toàn mới.
Bạn có bất cứ ký ức nào muốn xóa khỏi tâm trí bạn vĩnh viễn không? Hay một ký ức mà bạn muốn thay đổi để chúng không còn gây khó chịu hay đau buồn nữa? Hay thậm chí là tạo ra những ký ức mới toanh với những sự kiện chưa hề diễn ra trong thực tế?
Nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng nhưng theo một bộ phim tài liệu mới khởi chiếu ở Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện ra được cách để điều chỉnh những ký ức trong đầu bạn.
Memory Hackers (Tạm dịch: Những người đột nhập ký ức) là một tập phim thuộc series phim khoa học NOVA của PBS. Tập này nói về các nghiên cứu đột phá của con người về bản chất của ký ức.
Một ảnh chụp hậu trường về bộ phim tài liệu được Julia Shaw đăng trên Twitter.
Theo nhóm làm phim: “Trong phần lớn lịch sử nhân loại, ký ức luôn được hiểu như một máy ghi, chỉ thu lại những thông tin trung thực nhất và lặp lại những ký ức đó chính xác nhất có thể. Nhưng giờ đây các nhà nghiên cứu đang khám phá ra rằng ký ức hoàn toàn có thể uốn nắn được, có thể được viết ra hoặc bị ghi đè lên, không chỉ bởi chính chúng ta mà còn có thể do người khác thay đổi. Chúng tôi đang khám phá những cơ chế chính xác hòng giúp giải thích hay thậm chí kiểm soát được ký ức”.
Jake Hausler, 12 tuổi, đến từ St. Louis là một đối tượng được nghiên cứu trong phim. Em có thể nhớ được toàn bộ việc đã trải qua từ khi lên tám tuổi. Jake cũng là trường hợp nhỏ nhất mắc hội chứng siêu trí nhớ (Highly Superior Autobiographical Memory - HSAM) khiến em không thể phân biệt được các sự kiện quan trọng và các chi tiết nhỏ nhặt trong quá khứ.
André Fenton, một nhà thần kinh học đang nghiên cứu một phương pháp giúp xóa bỏ các ký ức xấu của con người, cho biết: Khả năng lãng quên là một trong những chức năng quan trọng nhất của bộ não. Khi nói về ký ức con người, chúng ta chỉ mới hiểu được một phần nổi của tảng băng.
Ngoài Jake ra còn có những người khác được phỏng vấn như Julia Shaw, một giáo sư tâm lý tại Trường ĐH South Bank, London. Cô đã từng thiết kế một hệ thống có thể đưa vào não người các ký ức đã được chỉnh sửa và đã từng thành công trong việc thuyết phục được các đối tượng thí nghiệm rằng họ đã từng phạm tội mặc dù chưa từng làm chuyện đó.
Nghiên cứu của cô có thể để lại nhiều hậu quả pháp lý trong đấu tranh với tội phạm. Tuy nhiên, cô mong rằng nghiên cứu này có thể có ích trong việc phát hiện các lời khai giả. Cô cho rằng nhiều phương pháp lấy lời khai hiện nay cùng có phương thức hoạt động giống cách các ký ức giả được cấy vào não người vậy.
Một người nữa được phỏng vấn trong phim là nhà tâm lý học Merel Kindt, người đã khám phá ra rằng ngồi thiền có thể giúp loại bỏ các liên hệ ký ức tiêu cực. Nhờ phương pháp này mà cô đã giúp bệnh nhân chữa khỏi chứng sợ nhện.