Vẫn nỗi lo rau “bẩn”

Rất nhiều bạn đọc gửi tin, bài đến tòa soạn chia sẻ những băn khoăn, lo lắng về vấn đề rau nhiễm hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này và có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe.

Bấy lâu nay tôi vẫn thường nghe bạn bè hay các phương tiện truyền thông phản ánh về thực trạng có quá nhiều loại rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật mà người nông dân đã, đang vô tình “giết mòn” người tiêu dùng vì họ chỉ chú trọng tới năng suất cây trồng và đồng tiền mà bỏ qua yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Vừa rồi, nhân có chuyến đi ra ngoại thành tôi mới kiểm chứng những thông tin mà bấy lâu nay bạn bè hay phương tiện truyền thông cảnh báo tới người tiêu dùng là hoàn toàn có thật.

Vẫn nỗi lo rau “bẩn” - 1,

Khi đến tay người tiêu dùng một số loại rau phải “căng” trên mình một lượng thuốc trừ sâu không nhỏ.

Hôm cùng một người họ hàng ở quê ra thăm cánh đồng trồng rau của xã, tôi thấy một không khí nồng nặc, ngột ngạt đến khó thở của mùi thuốc trừ sâu. Tôi đã tận mắt chứng kiến người nông dân bịt khẩu trang phun thuốc cho các loại rau đến ướt đẫm trên thân lá. Tới một ruộng đậu đỗ, tôi thắc mắc với người em họ là, tại sao ở cùng một thửa ruộng với các luống đậu đỗ thì đầu này một bộ phận người dân thu hái quả, trong khi phía đằng kia có một người đang phun thuốc trừ sâu lên luống cây đậu đỗ (?!).

Người em họ cười bảo: “Anh lạ lắm hay sao? Chuyện này là quá bình thường...”. “Thế người ăn rất nguy hiểm?” - Tôi hỏi lại thì cậu em nói: “Ồ! Người nông dân bây giờ họ chỉ cần có năng suất và thu được nhiều tiền thôi chứ họ không cần biết đến người tiêu dùng sử dụng ra sao đâu...”.

Tiếp xúc với một số người họ hàng, tôi được biết là chẳng riêng gì đậu đỗ, mà hầu như tất cả các loại rau quả bây giờ đều “bẩn” và độc hết. Rau cải xanh (cải mơ), dưa chuột, súp lơ, rau ngót, rau bí đỏ... người trồng cũng thường xuyên phun đẫm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Vẫn biết là ngày càng có nhiều loại sâu phá hoại rau, mùa màng và muốn không bị thất thu thì người nông dân không có cách nào khác là phải dùng biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật.

Thế nhưng, sự “coi thường” người tiêu dùng của không ít hộ nông dân là họ không để đủ thời gian phân hủy hết thuốc trừ sâu ở rau mà tự ý thu hái rau quả đi bán, kể cả khi vừa phun thuốc trừ sâu được một vài hôm. Người tiêu dùng dù có cẩn thận rửa rau thật kỹ và khử trùng bằng máy ozone, ngâm nước sát trùng, nước muối hay “khử” bằng cách nào đi nữa... thì chất độc hại của dư lượng thuốc trừ sâu ngấm sâu ở bên trong rau quả cũng chỉ bớt được phần nào mà thôi!

Thời gian gần đây, ở một số thành phố lớn, người tiêu dùng “kháo” nhau nên chọn các loại rau quả có hình thức xấu, già để đảm bảo tính an toàn, vì họ nghĩ người nông dân không dùng thuốc trừ sâu. Kinh nghiệm này chỉ đúng phần nhỏ thôi, chứ không hoàn toàn yên tâm vì trên thực tế các loại rau xấu, già chỉ là được chăm chút không chu đáo và phun ít thuốc trừ sâu hơn thôi chứ không phải là rau sạch hoàn toàn!

Rau độc, rau bẩn đang tràn lan trên thị trường. Chúng ta không thể không ăn rau quả hàng ngày được. Quả là khó khăn cho người tiêu dùng khi mà thời nay ăn cái gì, thứ gì cũng lo nhiễm độc tố, nhất là ăn rau. Vì vậy, để hạn chế độc tố của dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích độc hại ngấm vào cơ thể qua rau thì ngoài việc nên thường xuyên ăn các loại củ, quả có vỏ dày như: su hào, cà rốt, khoai tây, bí ngô, su su, bí xanh... thì các bà nội trợ nên tìm cho mình một cửa hàng, quầy rau sạch uy tín, tin cậy để yên tâm hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi dẫu sao thì rau sạch cũng được trồng trong các vùng chuyên canh với các yếu tố, quy trình đảm bảo hơn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN