Tử vong do truyền dịch ở phòng khám tư

Ngày 16/7, theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Phong đã tử vong tại phòng khám Maria, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội chiều tối 14/7 nghi do sốc phản vệ trong quá trình truyền dịch được chẩn đoán: Viêm cổ tử cung mãn tính, viêm lộ tuyến phì đại và được phòng khám Maria chỉ định truyền tĩnh mạch 3 chai dịch, làm điện tâm đồ, thủ thuật điều trị vùng chậu... Có thể tử vong do sốc khi truyền dịch?

Trong khi đó chiều 9-5 một nam sinh lớp 4 của Trường tiểu học Tà Yn xã Đà Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng đã chết trong lúc truyền dịch ở một đại lý thuốc tây tư tại xã Đà Loan cách đó khoảng 5km. Nạn nhân là bé Ya Gian 10 tuổi. Vào lúc 10g sáng 8-5, bé Ya Gian bị đau đầu, nóng sốt được gia đình đưa đến đại lý thuốc tây tên Hảo Huyền được truyền hết một chai dịch (chưa rõ loại gì), bé Ya Gian đi vệ sinh, sau đó trong lúc truyền tiếp chai thứ hai (mới 50%) thì bé tử vong tại chỗ.

Mới đây, ngày 8/5 một vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Bệnh nhân Huỳnh Thị Hương Giang (23 tuổi) cũng tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư của một bác sĩ.

Tử vong do truyền dịch ở phòng khám tư - 1

Không phải cứ truyền dịch là khỏe. (Ảnh minh họa)

Vào ngày 15/4, La Văn Vinh (13 tuổi - ở thôn Kim Giao Nam, Hoài Hải, Hoài Nhơn) bị sốt nên được đưa đến nhà một y tá thôn là bà Phường để chích thuốc và truyền dịch. Ngày 15/4, khi đang được bà Phường truyền dịch, Vinh lên cơn co giật dữ dội nên phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). 24h ngày 15/4, sức khoẻ của Vinh có dấu hiệu xấu nên tiếp tục được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, em đã tử vong trên đường đi.

Cũng trong ngày 15/4, La Văn Nghĩa (anh ruột của La Văn Vinh) bị sốt và gia đình tiếp tục gọi bà Lê Thị Phường truyền dịch. 20h cùng ngày, Nghĩa cũng lên cơn co giật giống em mình nên tiếp tục đưa đi cấp cứu. Trưa ngày 16/4, em Nghĩa đã chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Theo kết quả điều tra của công an huyện Hoài Nhơn, 2 em Nghĩa và Vinh tử vong là do truyền dịch bị sốc.
Ngày 14/2/2012, chị Định Thị Thu Hà (SN 1968) bị chóng mặt, đau đầu nên được người thân đưa đến đại lý thuốc tây Mỹ Lộc để truyền dung dịch Latated Ringger's. Trong quá trình truyền, chị Hà bị co giật nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An cấp cứu.

Khoảng 10 phút sau, chị Hà tử vong. Theo các bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân Đinh Thị Thu Hà lúc nhập viện là ngưng thở, ngưng tim, tím toàn thân, mạch bẹn, mạch cảnh không bắt được, huyết áp không đo được, tim không nghe được, đồng tử giãn.

Được biết, dung dịch Lactated Ringger’s bà Lộc dùng truyền cho chị Hà là một trong 30 nhóm thuốc khi bán bắt buộc phải có đơn của bác sĩ. Bà Lộc không có giấy phép hành nghề y mà chỉ có giấy phép bán lẻ thuốc tây và dụng cụ y tế thông thường. Sau cái chết của chị Hà, các cơ quan chức năng xác định bà Lộc không có dấu hiệu phạm tội hình sự nên không ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Không phải truyền dịch là khoẻ

Trước hết, cần phải biết đôi chút về vai trò của nước và một số chất điện giải trong cơ thể. Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể và được phân bố 50% trong các tế bào, 5% trong huyết tương, 15% ở khoảng gian bào. Nước là môi trường cho các hợp chất hoá học có trong cơ thể tồn tại và thực hiện vai trò của chúng, tham gia đào thải các chất cặn bã của các quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Khi cơ thể bị tiêu chảy, mất máu sẽ làm mất nhiều nước gây ra những rối loạn sinh lý nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng.

Dịch truyền có tác dụng nâng huyết áp cơ thể, để cân bằng các chất điện giải có trong máu khi người bệnh bị mất máu, mất nước do chấn thương, tai nạn, do phẫu thuật, do ỉa chảy, nôn mửa kéo dài, do bị bỏng, do các trường hợp bị mất nhiều mồ hôi trong điều kiện quá nóng bức. Một số dịch truyền có axit amin, vitamin, glucose có tác dụng bù đắp các chất này cho cơ thể. Truyền dịch khi cần thiết còn có tác dụng giải các chất độc trong cơ thể khi bị ngộ độc do thuốc, ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn cấp tính, giúp tăng bài tiết nước tiểu. Một số dạng dung dịch tiêm truyền còn dùng làm dung môi hoà tan một số thuốc tiêm.

Tử vong do truyền dịch ở phòng khám tư - 2

Không nên lạm dụng tiêm truyền với các mục đích không do nhu cầu chữa bệnh. (Ảnh minh họa)

Rất dễ tử vong

Khi sử dụng dịch truyền để truyền cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý nguy cơ bệnh nhân có thể bị sốc. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc ngay sau khi tiêm. Biểu hiện là bệnh nhân bắt đầu thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39 - 40 độ C hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã… Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể sẽ bị tử vong.

Nguyên nhân gây sốc có thể do chất lượng thuốc hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh, đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc. Dù nguyên nhân nào cũng phải ngừng tiêm truyền ngay và dùng thuốc chống sốc theo quy định của ngành y tế. Chính vì tai biến nguy hiểm này mà cần cảnh báo đến tất cả mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi, không có đầy đủ thuốc men và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Không nên lạm dụng tiêm truyền với các mục đích không do nhu cầu chữa bệnh. Những trường hợp tự mua dịch truyền có đạm hoặc các vitamin phối hợp để truyền với mục đích làm đẹp da, nâng cao sức khoẻ cần phải cân nhắc thận trọng để tránh tai biến nguy hiểm. Trên thị trường có một số dạng dịch truyền phối hợp một số vitamin và muối khoáng thường được gọi là “nước hoa quả” mà có nhiều phụ nữ thường mua để truyền với mục đích làm đẹp cần phải lưu ý đó là sản phẩm thuốc và chỉ sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc. Mọi sự lạm dụng dịch truyền cũng như các thuốc khác không những không cần thiết cho cơ thể mà còn có nguy cơ mắc tai biến do bị sốc hoặc do thừa vitamin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Thu (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN