Trẻ tâm thần vì... ngộ độc chì

Gần đây, mỗi tuần, phòng khám chuyên khoa Tâm thần, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội phải khám và đánh giá sự ảnh hưởng của ngộ độc chì mạn tính đến sự phát triển tâm thần của khoảng từ 5 - 10 trẻ đã được chẩn đoán và điều trị giải độc chì. Lứa tuổi phổ biến của trẻ là từ 2 - 3 tuổi.

Cháu Nguyễn Tiến Đạt (2 tuổi ở Văn Lâm, Hưng Yên) trông rất khôi ngô nhưng chậm nói. Đã 2 tuổi nhưng cháu không nói được câu dài, chỉ nói được 1 - 2 từ. Thấy con khác bạn cùng lứa, bố mẹ cho đi khám. Qua thăm khám, nhất là kể về hoàn cảnh gia đình có làm nghề sản xuất bột chì, bác sĩ cho làm các xét nghiệm và phát hiện ra cháu đã bị ngộ độc chì nặng. Đạt đã phải điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhiều ngày, sau đó chuyển sang Viện Sức khoẻ Tâm thần để đánh giá tình trạng phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá ban đầu. Phải đến khoảng 5 - 6 tuổi mới có thể có kết quả đánh giá chính xác hơn.

Trẻ tâm thần vì... ngộ độc chì - 1

Một trường hợp ngộ độc chì

Sở dĩ cùng môi trường sống mà người lớn không (hoặc ít bị ngộ độc chì) trong khi trẻ nhỏ lại nhiễm chì, bởi vì bộ não của trẻ con, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi kim loại nặng như chì. Khi môi trường sống có bụi chì hoặc nồng độ chì nói chung cao, nó sẽ nhiễm vào da, qua đường tiếp xúc, hô hấp và gây nên tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ.

Khi ngộ độc chì, trẻ bị ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, với biểu hiện giảm đi sự thành thạo trong nói và giao tiếp, chậm nói hơn so với những trẻ khác. Trẻ có thể hay quên hơn và có những vấn đề khác về sự ghi nhớ như sự ghi nhận vấn đề kém, dẫn đến học hành sẽ kém hơn. Kỹ năng thực hiện những động tác tinh tế, những động tác cầm nắm tinh xảo bị giảm đi rõ hơn so với bạn cùng lứa tuổi. Trẻ gặp khó khăn trong việc đưa ra kế hoạch thực hiện một việc được giao hoặc không thể tổ chức làm công việc của mình, khó khăn trong việc đưa ra các khái niệm trừu tượng, không có khả năng đưa ra cách khác để giải quyết vấn đề khi đã bị thất bại.

Ngộ độc chì mạn tính gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ về thể chất và sự phát triển tâm thần, có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ chưa có biểu hiện trên lâm sàng hoặc mức độ nặng thể hiện trên lâm sàng. Ngộ độc chì ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương là một biểu hiện phổ biến nhất thể hiện ở sự phát triển trí tuệ bị giảm đi, đánh giá bằng test về chỉ số thông minh (nhưng  chỉ có thể đánh giá trí tuệ của trẻ khi trẻ 5 tuổi). Vì vậy, với những trẻ ngộ độc chì mạn tính, cần phải có sự theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời trong quá trình phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Trịnh Bích Huyền (Bee.net)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN