Thực phẩm sạch-bẩn: Trông chờ vào... trực giác
Bún có chất tẩy trắng, gừng có thuốc trừ sâu cực độc, giá đỗ có hóa chất, hạt trân châu nghi ngờ có chất gây hại thận… Tuy nhiên, việc phân biệt thực phẩm sạch, bẩn hiện chỉ trông vào… trực giác.
Tự “test” thử bún
Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh vừa phát hiện 2 cơ sở sản xuất bún trên địa bàn thị xã Tây Ninh cho chất tẩy trắng (huỳnh quang – Tinopal), chất chống mốc (Sodium benzoate) và hàn the vào bún. Đây đều là những chất không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Người tiêu dùng rối trí không biết đâu là thực phẩm bẩn, sạch.
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, chất huỳnh quang thực chất là một loại hóa chất tẩy rửa công nghiệp dùng sản xuất giấy, vải, sợi, nhựa, để làm trắng sáng sản phẩm. Đây là chất tẩy rửa cực mạnh, có các kim loại nặng. Nếu sử dụng làm bún với mục đích làm sáng bóng sẽ gây nhiều loại bệnh mãn tính, có hại cho gan, thận, thần kinh, khiến cơ thể con người thường xuyên mệt mỏi, uể oải, thậm chí có khả năng gây ung thư. Còn hàn the có khả năng gây mệt mỏi, chán ăn, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, đặc biệt khiến trẻ chậm phát triển.
Theo bác sĩ Ký, chất huỳnh quang là chất bột màu trắng, khi pha vào nước không màu, không mùi nên người tiêu dùng không thể nhận biết. Hàn the nếu cho quá liều thì sợi bún dai hơn bình thường, nhưng cũng không thể bằng mắt thường mà thấy. Vì thế, theo ông Ký, việc phân biệt bằng mắt thường rất khó. “Tuy nhiên, khi sử dụng bún, thấy bún trắng sáng, dai, để từ sáng tới tối ở điều kiện bình thường mà không thiu thì chắc chắn có hóa chất bảo quản”- ông Ký nói.
Hoa mắt bởi phụ gia
Theo TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, các phụ gia thường được sử dụng trong thực phẩm là chất bảo quản, phẩm màu và đường hóa học, như phở, giò chả có formol, hàn the; cháo dinh dưỡng có hóa chất sodium benzoate và potassium sorbate có tác dụng giúp cháo lâu bị chua; hạt trân châu chứa chất tẩy trắng công nghiệp, polymer để tạo độ trắng và giòn, dai; chất bảo quản để giúp trái cây tươi lâu…
TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, nhiều cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất công nghiệp bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Lý do là vì phụ gia thực phẩm mua đắt hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với chất hóa học dùng trong công nghiệp. Ngoài ra, hóa chất công nghiệp còn cho màu đẹp, bền màu, thậm chí còn có tác dụng diệt nấm mốc, tẩy ố…
Theo ông Đáng, về cảm quan, người tiêu dùng nên cảnh giác với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, các thực phẩm “quá” đẹp so với bình thường. Tuy nhiên, có rất nhiều chất hóa học công nghiệp không tạo màu, tạo mùi hoặc tạo màu rất tự nhiên, không thể phân biệt bằng mắt thường, mà chỉ có thể trông mong vào việc thanh kiểm tra của các ban ngành.
Hiện tại, việc quản lý phụ gia thực phẩm đang được thả nổi, khó kiểm soát. Mặt khác, người sản xuất, nhất là các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ vẫn tùy tiện, chưa được tuyên truyền để sử dụng phụ gia thực phẩm cho đúng. “Vì thế, người sản xuất thường tự mày mò, nghe theo kinh nghiệm để sản xuất và sử dụng phụ gia thực phẩm và hóa chất công nghiệp mà không để tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”- ông Đáng nói.
Một số kinh nghiệm mua thực phẩm an toàn Theo tôi, người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ với các tiêu chuẩn rõ ràng, sử dụng các kỹ năng phân biệt thực phẩm tươi ngon như: Cá sờ mềm, mắt đỏ, mang đỏ; thịt mỡ trắng, bì mềm mỏng, nạc màu đỏ tự nhiên, không long, sờ dính tay; giá, rau tươi vừa phải vì nếu quá non, quá mập mạp có thể bị phun thuốc kích thích… Không mua các sản phẩm có màu sắc quá lòe loẹt, có mùi lạ so với sản phẩm bình thường. Các loại đồ khô cũng mua hạn chế, vì để ngoài thời tiết tự nhiên lâu mà không ẩm mốc, hư hỏng thì nên cảnh giác. Ngoài ra, người dân nên mua thực phẩm ở các cửa hàng quen lâu năm, tín nhiệm, không mua thực phẩm bán rong, không quen biết. |