"Không để quán ăn nằm cạnh cống nước"

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về thức ăn đường phố trong chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời" gần đây.

Chỉ còn 5 ngày nữa Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực. Tuy nhiên, hầu hết các chủ quán ăn vẫn thờ ơ với thông tư này.

Chị Trần Thị Quỳnh, chủ quán bún ốc trên đường Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết, chị vẫn mập mờ về quy định của Bộ Y tế và chỉ biết nếu Thông tư áp dụng sẽ bất lợi cho những người kinh doanh hàng quán vỉa hè.

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Thoan (Lĩnh Nam, Hà Nội) cũng cho rằng, quán ăn đường phố không thể cung cấp được những hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.

"Không để quán ăn nằm cạnh cống nước" - 1

Quán ăn bên cạnh cống nước thải

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng rõ ràng những quy định về an toàn thực phẩm đối với các quán ăn đường phố được Bộ Y tế đưa ra là cần thiết.

Anh Nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rùng mình với cảnh thức ăn được bày bán tràn lan trên vỉa hè, miệng cống thoát nước gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh cũng mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình trạng này.

Trao đổi về vấn đề này trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không thể một sớm một chiều để giải quyết thức ăn đường phố, song Bộ cũng quyết liệt để không còn tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa.

Nhận định về thức ăn đường phố, bà Tiến cho rằng, loại hình thức ăn này cũng có những ưu điểm như giá cả phải chăng. Tuy nhiên, hiện tượng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khá phổ biến, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, việc kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh.

"Không để quán ăn nằm cạnh cống nước" - 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không thể một sớm một chiều để giải quyết thức ăn đường phố bẩn

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, cũng như Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 30 phân cấp cho chính quyền địa phương ở xã, phường trực tiếp quản lý thức ăn đường phố. Thông tư là hành lang pháp lý để tiến tới thức ăn đường phố được đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, đến thời điểm này Cục đã gửi công văn đến tất cả các sở y tế tỉnh, thành phố để kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý. Theo đó, mức phạt tiền tối đa với một lần vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể lên đến 100 triệu đồng.

Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định người đang mắc các bệnh truyền nhiễm không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Ngoài ra, người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về ATTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm.

Các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, đảm bảo chống được bụi, bẩn, mưa nắng, côn trùng. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATTP theo quy định.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (căng tin, nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể) phải lưu mẫu thực phẩm trong 24 giờ sau khi chế biến. Thực phẩm phải được bảo quản, trưng bày trên giá cao tối thiểu 60 cm cách mặt sàn; có khu vực rửa tay, nhà vệ sinh cách biệt; ít nhất có một bồn rửa tay đủ cho 50 người ăn, có ít nhất một nhà vệ sinh đủ cho 25 người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN