Thắp lên sự sống từ cái chết: Cổ tích mang tên chữ thập đỏ

Thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ hội chữ thập đỏ vận động người dân trong khu vực đăng ký hiến thi hài cho các trường ĐH Y, trong đó có cả hồ sơ mang tên chính họ.

Những năm gần đây, vận động người dân đăng ký hiến thi hài đã trở thành một nhiệm vụ được nhà nước giao phó cho hệ thống Hội Chữ thập đỏ. Công việc tưởng chừng như rất khó khăn bởi hiến thi hài cho khoa học dường như xung khắc hoàn toàn với ý niệm “sống có nhà, chết có mồ”, “chết phải toàn thây” của người Á Đông. Thế nhưng, ở một số quận - huyện tại TP HCM, người tình nguyện đăng ký hiến thi hài sau mấy năm triển khai đã lên con số hàng trăm. Ở những nơi ấy, tiếng nói của cán bộ hội chữ thập đỏ không còn đơn thuần là của một người đi tuyên truyền mà là sự đồng cảm của người cũng đã tình nguyện trao mình cho khoa học.

Luôn đi đầu

Trong một văn phòng giản dị, Hội Chữ thập đỏ quận 8, TP HCM hoạt động chỉ với 5 cán bộ. Ngày bắt đầu cuộc vận động, hội đối diện với không ít khó khăn bởi người dân nơi đây hầu hết là lao động nghèo, nhiều người có bệnh mà không tiền chữa, nhiều thanh niên vì gánh nặng áo cơm mà dang dở học hành… Phía sau cánh cổng các trường ĐH Y, nơi những sinh viên khoác áo blouse đang thực hành trên thi thể người chết là một điều thật xa lạ với họ. Nhưng nay, toàn quận đã có hơn 90 bộ hồ sơ được gửi đến Trường ĐH Y Dược TP HCM, trong đó có cả lá đơn tình nguyện của 4/5 cán bộ của hội.

Thắp lên sự sống từ cái chết: Cổ tích mang tên chữ thập đỏ - 1

Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 8, TP HCM, trò chuyện cùng chị Trần Ngọc Hải Hà - người cũng có cùng tâm nguyện hiến thi hài

Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 8, một trong những người đã ký vào lá đơn cao cả ấy, chia sẻ: “Trước khi đi vận động, thuyết phục người ta, mình phải hiểu, phải thấm và phải làm trước thì sự thuyết phục ấy mới thực sự có sức nặng. Mai đây, khi nằm xuống, thân xác này trước sau gì cũng về với cát bụi. Vậy sao không để lại cho ngành y, cho những bác sĩ trẻ có phương tiện để bổ sung kiến thức?”.

Chị Đỗ Trương Hồng Thảo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 8, tuy còn trẻ nhưng cũng đã sở hữu trong tay tấm thẻ đăng ký hiến thi hài của Trường ĐH Y Dược TP HCM. Chị cho biết đã ấp ủ nguyện vọng này từ lâu nhưng gắng đợi đến khi kết hôn, thuyết phục xong người bạn đời rồi mới đăng ký. “Ban đầu, ông xã rất sợ nên tôi đùa rằng nếu mình mà còn sợ thì làm sao đi vận động người ta được. Dần dà, anh ấy hiểu ra và ủng hộ tôi. Các con thì còn nhỏ nhưng tôi hy vọng khi lớn lên, chúng cũng sẽ hiểu mẹ” - chị Thảo nói.

Vượt qua sợ hãi

Bình Thạnh là quận có nhiều người đăng ký hiến thi hài cho khoa học nhất, với khoảng 400 bộ hồ sơ, tính đến hết năm 2012. Từ đầu năm 2013 đến nay, có thêm gần 200 bộ hồ sơ mới được gửi về. “Có 3 lý do khiến chúng tôi vận động được nhiều đến thế: Sự giúp đỡ của những người lớn tuổi tại các khu phố, hỗ trợ của các chức sắc tôn giáo và nghĩa cử đẹp của chủ tịch Hội Chữ thập đỏ các phường - hầu hết đã tình nguyện hiến mình cho khoa học, nhiều người còn thuyết phục cả người thân tham gia” - ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Ban Huấn luyện sơ cấp cứu, phụ trách mảng chăm sóc sức khỏe của Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh, cho biết.

Thắp lên sự sống từ cái chết: Cổ tích mang tên chữ thập đỏ - 2

Văn phòng Hội Chữ thập đỏ quận 8, TP HCM, nơi có 4/5 cán bộ tình nguyện hiến thi hài cho khoa học

“Cảm giác đầu tiên khi tham quan nơi tiếp nhận, xử lý thi hài của Trường ĐH Y Dược TP HCM là sự sợ hãi rất lớn. Nhưng rồi nỗi sợ qua đi, để lại một cảm xúc đặc biệt khiến tôi muốn làm theo họ - những người đã nằm đấy, hiến mình cho khoa học” - bà Hà Thị Min, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 25, quận Bình Thạnh, nói. Chính hành động dũng cảm ấy đã giúp bà vận động được hơn 60 người cùng tham gia.

Còn ông Phạm Ngọc Lễ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 6, quận Bình Thạnh, hóm hỉnh: “Khi mất, con người ta được chôn đi hay hỏa thiêu thì cũng chẳng còn gì. Nghĩ vậy, tôi sẵn sàng hiến hết, biết đâu lại cứu được một thiên tài cho đất nước hoặc giúp một sinh viên y khoa nào đó trở thành bác sĩ giỏi mai sau”.

Khoa học đang rất cần

Tại quận 8, có nhiều cán bộ - công chức không trực thuộc hội chữ thập đỏ nhưng cũng tình nguyện hiến thi hài, đưa số cán bộ nhà nước hiến thi hài trong quận lên tới hơn 20. “Trong một lần thi hài cha người bạn được đưa về Trường ĐH Y Dược TP HCM theo di nguyện, tôi đã đi theo. Từ đó, tôi được biết thi hài rất cần cho học tập, nếu sinh viên không được thực tập trên người chết thì sau này không thể thực hiện những kỹ thuật điều trị trên người sống. Thêm vào những câu chuyện được biết khi đi vận động người dân, tôi đã quyết định đăng ký hiến thi hài. Phường tôi cũng có 4 cán bộ khác đã làm đơn hiến thi hài” - bà Phan Kiều Thanh Hương, Bí thư Đảng ủy phường 2, cho biết.

Theo ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường 4, hiến thi hài là ước nguyện từ khi ông mới 20 tuổi và trưởng thành từ công tác đoàn. Đối với ông, khó nhất là thuyết phục cha mẹ vì họ thường xót con và có những suy nghĩ rất khác với thế hệ trẻ. “Nhưng cuối cùng, gia đình đã hiểu và ủng hộ tôi” - ông Đức nói. Còn ông Trần Hữu Thuận, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 15, tâm niệm: “Khi đã qua đời thì thân xác còn lại cũng chẳng để làm gì, rồi cũng tan biến đi, chi bằng hãy trao lại cho đời vì khoa học đang rất cần”. Vì vậy, ông cũng tình nguyện hiến cả giác mạc để mong tặng lại ánh sáng cho ai đó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN