Thắp lên sự sống từ cái chết: Những người dẫn lối

Họ không chỉ hiến thi hài cho khoa học mà còn vận động mọi người thực hiện nghĩa cử cao đẹp này để các trường y có phương tiện cho sinh viên thực tập.

Trong Văn phòng Bộ môn Giải phẫu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có 1 bàn thờ nhỏ, trên ấy là di ảnh của GS-BS Nguyễn Quang Quyền, người khai sinh ra chuỗi câu chuyện cảm động về những người không tiếc thân xác, hiến thi hài cho khoa học.
Ông Hoàng Duy Hòa bên kệ đựng những bát tro cốt của những người đã hiến mình cho khoa học

Tấm gương cao cả

Ông Hoàng Duy Hòa, nhân viên kỹ thuật đã gắn bó gần 16 năm với công việc xử lý, chăm sóc các thi hài tại bộ môn, kể lại: “GS-BS Quyền cùng 1 ni cô là 2 người đầu tiên đăng ký hiến thi hài vào năm 1996. Câu chuyện ấy đã tác động đến nhiều người, trong đó có cả tôi, một người mới bỡ ngỡ bước vào công việc đặc biệt này”.

Câu chuyện của vị giáo sư được coi là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trên các lĩnh vực giải phẫu, nhân chủng và nhân trắc học ấy đã khiến những lá đơn đăng ký hiến thi hài đầu tiên được gửi về trường. Trong đó có cả lá đơn của ông Hòa, người quá tường tận quy trình xử lý xác và những tác động dao kéo mà những con người cao cả đã bình thản chấp nhận khi trở thành phương tiện học tập thiêng liêng nhất của ngành y. “Năm 1997, khi tôi điền vào lá đơn đăng ký, số thi hài được hiến rất ít, đa phần vẫn là thi hài vô thừa nhận do các bệnh viện đưa đến. Một ngôi trường đông sinh viên vậy mà mỗi năm chỉ dám sử dụng 4 thi hài. Vì vậy, tôi càng thấy mình nên đăng ký hiến thi hài cho khoa học” - ông Hòa hồi tưởng.

Cụ Lê Văn Thân (dược sĩ về hưu) năm nay đã ngoài 80 tuổi, cũng là 1 trong những người đi đầu trong việc hiến thi hài. Từ năm 1998 đến nay, không chỉ mang về Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thách lá đơn tình nguyện của mình và vợ, cụ còn trở thành “người đưa đò” cho hơn 60 người khác đến với nghĩa cử đẹp này. Nhà ở tận quận Gò Vấp, TP HCM và đã không còn sử dụng được xe máy nhưng nhiều lần cụ vẫn đi bộ đến trường để gửi những bộ hồ sơ mới… “Nhiều lần chúng tôi kêu xe ôm nhưng cụ nhất quyết không chịu, bảo để đi bộ cho khỏe” - một nhân viên kỹ thuật kể.

Theo anh Tân Lộc, nhân viên kỹ thuật Bộ môn Giải phẫu, tại tỉnh Đồng Tháp có 1 nhà dưỡng lão do những người thiện nguyện dựng nên để làm chốn nương thân cho những cụ ông, cụ bà không con cháu. Các nhân viên kỹ thuật đã vài lần đến nhận thi hài bởi ban quản lý vận động hầu hết những cụ ở đây đăng ký hiến. “Năm nay, có 2 người về với chúng tôi. Họ đều có chung một di nguyện là sau khi thi hài đã được sử dụng để nghiên cứu thì sẽ được hỏa thiêu và đưa về những dãy kệ đựng tro cốt nằm trong bộ môn” - anh Lộc cho biết.

Thắp lên sự sống từ cái chết: Những người dẫn lối - 1

Ông Hoàng Duy Hòa bên kệ đựng những bát tro cốt của những người đã hiến mình cho khoa học

PGS-TS-BS-Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, vẫn thường nâng niu quyển sổ ghi chép do một cụ bà tặng lại nhà trường trong lễ Macchabeés năm vừa qua. Trong ấy là hành trình của cụ, người đã dành trọn thời gian của tuổi già để vận động mọi người cùng hiến thi hài như mình, thậm chí còn bỏ tiền lập hội của những người hiến thi hài để việc vận động được rộng mở…

Một người hiến thi hài được thân nhân, sinh viên và cả những người không quen biết tưởng niệm tại lễ Macchabeés năm 2013 ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Người thầy không bục giảng

Nói về ý nghĩa của những thi hài được hiến tặng, PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Bộ môn Giải phẫu học - cho biết: “Y khoa là một khoa học mang tính nhân bản, dù có thuộc tính chính xác và khoa học nhưng nó lại tác động lên đối tượng là con người. Người thầy thuốc không như những kỹ sư làm việc trên những bánh răng, con tán, những cấu kiện chuẩn xác, bất di bất dịch mà tác động lên người bệnh với những đặc tính sinh học vốn biến dị, đa dạng và khác biệt một cách tinh tế. Vì vậy, cho dù ngày nay đã có những phương tiện mô phỏng tối tân, linh hoạt nhưng thi hài vẫn là một phương tiện học tập thiêng liêng và không thể thay thế được tại các trường y. Đó là những người thầy không đứng trên bục giảng mà dạy sinh viên ngay trên những chiếc bàn giải phẫu, bằng chính cơ thể mình”.

PGS-TS-BS-Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết suy nghĩ lớn nhất của bà về những người hiến thi hài vẫn là sự biết ơn vô hạn, không chỉ trên cương vị lãnh đạo một ngôi trường rất cần có họ mà còn từ vị trí của một người đang và sẽ được thụ hưởng những thành tựu khoa học do những con người cao cả ấy gieo mầm. “Tất cả những tiến bộ y học, kỹ thuật mới và loại phẫu thuật tinh vi nhất đều phải dựa trên những thi hài rồi mới có thể được hoàn thiện và ứng dụng trên người sống. Người tình nguyện hiến thi hài không chỉ đơn giản là giúp các sinh viên có cơ hội học tập mà họ đang giúp cho khoa học phát triển” - bà Dung nói.

Bài học y đức đầu tiên

Lễ Macchabeés (Tri ân những người hiến thi hài cho khoa học) được các trường y tổ chức như một dịp để những người đã, sắp và có ý định trao thân thể mình cho khoa học gặp gỡ nhau; thân nhân được gặp lại người quá cố và các sinh viên thắp nén hương tri ân...

Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hằng năm, lễ Macchabeés đều có sự tham gia của hàng ngàn người đã đăng ký hiến thi hài ở đây. Lễ bắt đầu bằng những hàng nến dài lung linh trải khắp hội trường rộng lớn, những câu chuyện xúc động và kết thúc bằng một bài điếu văn, những nén hương cùng hoa hồng trắng cho những người vừa được đưa về… Toàn bộ sinh viên năm nhất chuyên ngành bác sĩ đa khoa của trường sẽ phục vụ lễ. “Đấy là bài học vỡ lòng về y đức mà chúng tôi muốn dạy các sinh viên” - PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu nói.


Kỳ tới: “Cổ tích” mang tên chữ thập đỏ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN