Tàn phế vì sơ cứu sai
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần di chuyển nạn nhân không đúng cách cũng đủ khiến vùng tổn thương bị nặng hơn
Gãy xương, chảy máu: Cần xử lý đúng
Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, điều đầu tiên khi gặp một người bị tai nạn là phải kiểm tra xem họ còn tỉnh hay không. Nếu còn tỉnh, phải hỏi rõ họ đau ở đâu để có hướng xử lý đúng. Đừng vội vã di chuyển nạn nhân vì có thể họ đã bị gãy xương, cột sống, do đó việc xốc vội nạn nhân lên khi chưa cố định sẽ rất nguy hiểm.
Các điều dưỡng viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM hướng dẫn tư thế nằm nghiêng an toàn
“Với tổn thương có chảy máu, đặc biệt là tổn thương trúng vào động mạch - có thể nhận biết khi máu phun ra nhiều, từng đợt theo nhịp đập của tim - phải băng ép ngay cho nạn nhân. Tốt nhất vẫn là dùng gạc sạch nhưng nếu tại hiện trường không có thì có thể xé tạm quần áo ra dùng; ngoài lớp gạc đặt vào vết thương nên đặt thêm một vật cứng, như miếng gỗ nhỏ, trước khi bó lại để vùng bị thương được ép chặt. Nên cẩn trọng khi có ý định dùng ga-rô vì nếu thời gian di chuyển quá lâu, ga-rô sẽ cản trở việc lưu thông máu và có thể dẫn đến hoại tử. Việc cầm máu ở vết thương chảy máu nhiều rất cần thiết bởi nạn nhân có thể chết vì mất máu khi di chuyển đến BV” - BS Huy nhấn mạnh.
BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - chỉ đạo tuyến BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lưu ý rằng với những trường hợp gãy xương nên “giữ nguyên hiện trạng”, cố định lại vùng gãy xương và chuyển đến BV, không nên di chuyển khi chưa cố định và cũng không nên tự ý nắn chỉnh lại. “Việc nắn xương chỉ nên được thực hiện bởi BS chuyên khoa, nếu tự ý nắn chỉnh có thể chạm đến động mạch, thần kinh và khiến vấn đề phức tạp thêm” - BS Thu cảnh báo.
Khó phát hiện gãy cột sống
Một trong những tình huống nguy hiểm nhất là nạn nhân bị tổn thương cột sống do tai nạn giao thông hoặc ngã từ trên cao xuống. Gãy cột sống đôi khi khó phát hiện hơn gãy những xương khác vì vùng này không bị rời ra. Tại các đơn vị cấp cứu tai nạn giao thông, có trường hợp ban đầu có cảm giác bị nhẹ, nạn nhân vẫn tỉnh nên leo lên xe nhờ người qua đường đưa tới BV nhưng rồi tắt thở ngay trên đường đi bởi tư thế ngồi khiến vùng cột sống cổ đã tổn thương bị tác động. Lại có những trường hợp lúc đội cấp cứu đến hiện trường thì nạn nhân đã tử vong vì khi người đi đường chuyển họ vào vệ đường đã quên chú ý đến vùng cột sống. Trong trường hợp khác, nếu nạn nhân không tổn thương cột sống ở vùng cổ mà bị ở vùng thắt lưng, việc sơ cứu sai có thể dẫn đến liệt vĩnh viễn phần thân dưới.
Theo BS Tô Vĩnh Ninh, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Hạnh Phúc (Bình Dương), khi gặp một người bị nạn đã bất tỉnh nhân sự thì ưu tiên cấp cứu vẫn là hồi sinh tim bằng biện pháp ép tim song song với việc cố định cột sống cổ. Tiếp theo là kiểm tra đường thở xem có thông suốt hay không. Kế đến mới là hô hấp nhân tạo và kiểm tra các hoạt động thần kinh khác. “Nếu sửa tư thế nạn nhân để tiến hành các bước sơ cứu khác mà không đánh giá được tổn thương cột sống cổ thì rất có thể làm tắc đường dẫn truyền thần kinh, tác động đến hệ thần kinh tự trị chi phối tim, phổi, từ đó làm nạn nhân ngưng tim, ngưng thở” - BS Ninh khuyến cáo.
BS Huy lưu ý nếu nạn nhân bị nạn ở tư thế phức tạp, ngã từ trên cao xuống… thì dù chưa xác định được cũng phải xử lý như người đã bị thương ở cột sống cổ. Có thể để họ nằm ngửa và dùng vật chèn như cục gạch, miếng gỗ có quấn thêm vải… hoặc đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn (dù tư thế nào cũng phải bảo đảm việc hô hấp dễ dàng). Sau khi cố định chắc chắn thì mới tiến hành các bước sơ cứu khác. Trong trường hợp không biết rõ cách sơ cứu nạn nhân, nên gọi 115, chờ đội cấp cứu đến và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế trực đường dây nóng này nếu tình huống quá khẩn cấp.