Sưởi bếp than: Đưa “thần chết” vào nhà

Thời tiết giá lạnh, nhất là về đêm khiến nhiều người phải vật lộn chống chọi với cái rét và một trong những biện pháp “đơn giản”, “rẻ tiền” đó là đốt một bếp than tổ ong rồi đóng cửa lại cho ấm. Họ có biết đâu rằng họ đã vô tình đưa “thần chết” vào nhà.

“Thần chết” trong bếp than

Loại than mà chúng ta chế ra than tổ ong dùng làm chất đốt có thành phần chính là than đá, được hình thành từ cách đây hàng triệu năm, do cây cối bị chôn vùi dưới nhiệt độ cao trong lòng đất. Than đá khi cháy sinh ra một lượng nhiệt năng lớn và cho sản phẩm cuối cùng là khí carbonic (CO2) và nước.

Trong quá trình than cháy, không phải tất cả đều cháy hết và cho sản phẩm cuối cùng CO2 mà có nhiều phần cháy dở (cháy không hoàn toàn do than không tiếp xúc hoặc không đủ lượng ôxy cần thiết) nên cho sản phẩm cháy dở là khí carbon monoxid (CO).

Khi đưa một bếp than vào phòng rồi đóng kín cửa, sẽ có ba nguy cơ gây tử vong: thứ nhất là lượng CO tăng cao do phòng thiếu ôxy cần thiết cho sự cháy hoàn toàn, thứ hai là nồng độ CO2 cũng phát thải trong khi than cháy và thứ ba là lượng ôxy bị suy giảm nghiêm trọng do bị tiêu thụ quá nhiều khi bếp than cháy. Cả hai loại khí CO2 và CO đều không màu, không mùi nên không thể phát hiện được khi chúng tăng cao trong phòng kín bằng giác quan con người.

Sưởi bếp than: Đưa “thần chết” vào nhà - 1

Đốt bếp than tổ ong rồi cho vào nhà đóng cửa sưởi ấm là vô tình đưa thần chết vào nhà.

So với CO2, khí CO còn có độc tính cao hơn rất nhiều lần. CO có ái lực với hồng cầu mạnh hơn ôxy khoảng 250 lần nên khi vào máu, CO gắn chặt với hồng cầu khiến cho hồng cầu mất chức năng chuyên chở ôxy từ phổi tới các tế bào. Mặt khác, CO còn gắn với myoglobin trong tế bào cơ và các cytocrom gây nên tổn thương cơ, đặc biệt là cơ tim và thương tổn hệ thần kinh. Nồng độ khí CO lên tới 0,1% trong không khí đã đủ nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Biểu hiện của ngộ độc khí than

Như đã nói ở trên, ngộ độc khí than chủ yếu do nồng độ CO2 và CO tăng cao trong phòng kín. Các biểu hiện bao gồm mức độ nhẹ như mệt mỏi, đau đầu, nôn, ù tai, chóng mặt; nặng hơn bắt đầu có cảm giác tức ngực, khó thở, nôn mửa dữ dội, mắt nhìn mờ, mỏi cơ; nặng hơn nữa nạn nhân có những cơn co giật, thất điều, liệt cơ, suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu, tụt huyết áp và tử vong.

Điều hết sức nguy hiểm cần nhấn mạnh ở đây là: mặc dù các biểu hiện được mô tả theo các mức độ từ nặng đến nhẹ, hay nói cách khác, người bệnh hoàn toàn có thể biết được mức độ triệu chứng của mình, nhưng đó là những trường hợp nạn nhân tiếp xúc với khí độc khi chưa ngủ.

Giai đoạn đầu khi đốt lò than trong nhà, lượng CO2 và CO còn thấp, lượng ôxy trong phòng còn cao, mọi người vẫn thấy bình thường và đi ngủ. Khi nồng độ hai chất khí này tăng dần, mức độ ngộ độc bắt đầu tăng khiến cho nạn nhân rất khó cảm nhận khi đã ngủ say. Nguy hiểm hơn là khí CO gây yếu cơ và liệt cơ nếu ngộ độc nặng nên trong nhiều trường hợp, nạn nhân không thể còn phản xạ gì để vùng dậy mở cửa hoặc làm các động tác tương tự để tự giải thoát.

Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, nạn nhân đều tử vong với tư thế còn nằm yên trong chăn như đang ngủ và chỉ có một vài trường hợp được tìm thấy nạn nhân tử vong cạnh cửa ra vào (đã bò ra đến cửa nhưng không đủ sức mở ra). Vì vậy, khí CO còn được mệnh danh là “kẻ giết người im lặng” (silent killer).

Mức độ nguy hiểm khi đưa bếp than vào sưởi trong phòng kín còn có sự đóng góp thêm của việc nồng độ ôxy bị sụt giảm và nạn nhân sẽ hầu như không còn cơ hội sống sót nếu như có uống thêm bia rượu hoặc sử dụng ma túy.

Dự phòng như thế nào?

Nguy hiểm là vậy nhưng việc dự phòng tai nạn do đưa “thần chết” vào nhà lại hết sức đơn giản: đó là không nên đưa bếp than vào trong phòng để sưởi. Trường hợp quá lạnh, cần phải sưởi thì cũng có thể nhưng tốt nhất phải mở cửa hoặc thông gió để đảm bảo độ thông thoáng cho căn phòng.

Việc này hết sức quan trọng vì phòng có thoáng thì lượng CO2 và CO sinh ra trong quá trình than cháy sẽ được thoát ra ngoài và lượng ôxy được cung cấp đủ thì than cháy càng hết và lượng khí CO sinh ra càng ít. Có thể đưa bếp vào cho phòng ấm lên sau đó đưa ra ngoài trước khi ngủ. Cũng không nên để bếp than ở đầu giường hoặc ngay dưới gầm giường sẽ rất nguy hiểm do hít phải lượng khí độc cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS. BS. Vũ Đức Định (Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN