Sát thủ giấu mặt từ chuột
BV Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh vừa cứu chữa ca bệnh diễn biến khá phức tạp được xác định là nhiễm Hantavirus do bị chuột cắn. Vậy loại vi rút này nguy hiểm như thế nào và có thể có thể chủ động phòng ngừa?
Chuột và loài gặm nhấm được xem là ổ chứa Hantavirus lây từ chuột sang người thông qua đường hô hấp do hít phải các chất bài tiết thải ra từ chuột hay bị chuột cắn, qua niêm mạc mắt và miệng, do nước hoặc thức ăn bẩn đã bị nhiễm Hantavirus trước đó, kể cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích Hantavirus.
Vi rút này có trong nước tiểu, phân, nước bọt của loài gặm nhấm như chuột nuôi làm cảnh, chuột ở phòng thí nghiệm, chuột đồng, chuột cống... Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự lây truyền Hantavirus từ người sang người.
Ai dễ mắc?
Những người sống ở nơi có nhiều chuột có nguy cơ mắc bệnh. Những người thường đi dạo trong rừng, ngoài đồng hoang hoặc thích đi cắm trại; người làm việc trong các kho hàng hay tại những vựa thóc lúa; người làm nghề thợ điện, sửa ống nước... có chuột sống trong đó.
Ngoài ra, những người làm rừng, các chuyên viên phòng thí nghiệm thường xuyên tiếp xúc và sử dụng các loài chuột hoặc các loài gặm nhấm hoang dã cũng có thể nhiễm Hantavirus.
Biểu hiện khi nhiễm Hantavirus
Hantavirus được đề cập đến lần đầu tiên vào năm 1951, nhân dịch bệnh xảy ra ở quân đội Hoa kỳ khi đang tham chiến tại Triều Tiên. Ca bệnh đầu tiên do Hantavirus được ghi nhận tại Hoa Kỳ năm 1970, tại Canada năm 1990, và vào năm 1993 dịch bệnh Hantavirus xuất hiện tại Bỉ và miền Tây Nam Hoa Kỳ.
Ca mới nhất xuất hiện vào mùa hè năm 2012 tại Yosemite National Park, California Hoa Kỳ. Theo ước tính, khoảng 10.000 người có rủi do bị hội chứng phổi do nhiễm Hantavirus đã lưu lại trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 8 vừa qua, trong số này có 2.500 người là du khách ngoại quốc.
Vì vậy, giới chức y tế Hoa Kỳ đã gửi thông báo cho 39 quốc gia khác phần lớn thuộc Liên hiệp châu Âu cho biết những công dân đã sống trong các lều cách nhiệt thuộc làng Curry của Công viên Quốc gia Yosemite vào mùa hè này có thể đã bị nhiễm Hantavirus từ chuột nai.
Khi bị nhiễm Hantavirus, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao 3 - 5 ngày, có khi sốt kéo dài 4 - 6 tuần. Từ khi nhiễm Hantavirus đến khi phát bệnh khoảng 9 - 35 ngày, nhưng đa số từ 9 - 24 ngày. Bệnh có biểu hiện qua 4 thời kỳ: sốt, đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy...
Ở thời kỳ đầu, khi bệnh nhân bị đau bụng rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm ruột thừa hoặc viêm cầu thận có mủ. Có bệnh nhân còn có biểu hiện mặt đỏ hồng như đi tắm biển. Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như đau họng, ngạt mũi, viêm xoang, đau tai.
Có bệnh nhân có các chấm đỏ nhỏ như sốt xuất huyết. Sau đó xuất hiện tràn dịch màng phổi, ho, viêm cơ tim, khó thở, tụt huyết áp và có phù phổi.
Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong (tỷ lệ tử vong từ 6 - 10%) do suy hô hấp, suy tim, suy thận phải.
Trên lâm sàng, ở người nhiễm Hantavirus có thể gặp 2 nhóm hội chứng:
Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết: Bắt đầu bằng các dấu hiệu tương tự như cảm cúm trong vòng từ 3 - 6 ngày, mệt mỏi cực độ, sốt, đau nhức các bắp thịt. Đôi khi có thể nhức đầu, chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Sau đó thận bị tổn thương, suy thận, tăng số tế bào bạch cầu (thrombocytes) trong máu, nổi các nốt đỏ ở da, chảy máu cam và tiểu có máu.
Hội chứng về phổi: Bắt đầu như cảm cúm kéo theo một thời gian thở khó cấp tính, thở ngắn và ho. Tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 50%.
Xác định “thủ phạm”
Khi có dấu hiệu cảm cúm, khó thở cộng thêm bệnh sử có tiếp xúc với chuột (chuột đồng, chuột cống, chuột nuôi làm cảnh, chuột tại phòng thí nghiệm...) hoặc các loài gặm nhấm từ 1 - 6 tuần trước thì có thể là đã bị nhiễm Hantavirus. Hiện nay, rất khó tìm thấy Hantavirus qua xét nghiệm. Phương pháp chẩn đoán tại phòng thí nghiệm được áp dụng như: Immunohistochemistry (IHC), Polymerase chain reaction (PCR), tìm kháng thể IgG hoặc IgM trong máu.
Cách điều trị
Điều trị bệnh nhân mắc hội chứng phổi. Phòng cấp cứu cần có máy đo huyết áp và máy thở ôxy để kịp thời cứu bệnh nhân bị shock, tim ngừng đập. Cho uống từ 1 - 2 lít nước để bổ sung lượng nước mất đi do tiêu chảy và nôn mửa. Điều trị bệnh nhân mắc hội chứng thận.
Chú ý phải theo dõi chặt chẽ để phòng các biến chứng chung và cần phải điều trị ngay như: bội nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm nấm cần phải dùng thuốc kháng sinh; trường hợp mất nước nhiều cần phải truyền dịch.
Điều trị các dấu hiệu khác như: đau đầu, đau lưng, đau bụng, nôn mửa, khó chịu trong các bộ phận của cơ thể, cần thuốc làm mất cảm giác đau, thuốc trị co thắt hay thuốc an thần (chiếm tới 50 - 70% số ca bệnh).
Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị dù việc dùng thuốc ribavirin (điều trị viêm gan siêu vi C) có hiệu quả ở giai đoạn đầu của bệnh và giúp làm giảm tỷ lệ tử vong. Việc điều trị Hantavirus hiệu quả nhất đến nay chủ yếu vẫn dựa vào sự chăm sóc, theo dõi huyết động học, hỗ trợ hô hấp ngay từ đầu và kịp thời điều chỉnh những rối loạn về tim mạch...
Làm sao phòng ngừa?
Giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp để tránh chuột bọ và các loài gặm nhấm. Bịt hết các hang hốc, lỗ hổng trong vách nơi chuột có thể vào được.
Nhớ mang bao tay khi phải tiếp xúc trực tiếp với chuột. (Ảnh minh họa)
Nơi có người nhiễm bệnh, cần chùi rửa, tẩy uế nhà cửa bằng nước javel (pha 3 muỗng canh javel cho 1 lít nước). Giặt chăn, màn, ga gối, quần áo với nước nóng.