Rước họa với mỹ phẩm... tự chế

Hiện nay, trên các diễn đàn dành cho các chị em xuất hiện nhiều phương pháp làm đẹp từ các loại tinh dầu thiên nhiên như dầu argan, dầu oliu, dầu dừa, dầu hướng dương, cao bí đao, dấm táo... Liệu những loại mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên này có thực sự tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng?

Xu hướng bào chế mỹ phẩm thiên nhiên

Sử dụng mỹ phẩm tự chế thực ra lại là một biện pháp làm đẹp an toàn được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Bởi ngay cả các hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới, hiện cũng có thể đem đến những sản phẩm làm đẹp không an toàn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép và nhiều chất bảo quản dễ gây ung thư... Tại Hàn Quốc, nhiều hãng mĩ phẩm như Skin Food, Baviphat, The Face shop đã thành công với các dòng mỹ phẩm tự nhiên chiết xuất từ khoai tây, kiwi, bí đao, cám gạo, bùn khoáng…

Ở Việt Nam, nhiều chị em cũng chú ý nhiều hơn đến các loại mỹ phẩm tự nhiên như kem nghệ, kem lột dư lao, kem dưỡng da dê của hãng mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) hay phấn nụ cung đình Huế làm từ cao lanh, nước hoa hồng của thương hiệu Phấn nụ Bà Tùng… Trên một số trang web dành cho các chị em như webtretho, lamchame, lamdepcungha... có rất nhiều các bài hướng dẫn cách thức pha chế mỹ phẩm với những thông tin cụ thể về địa chỉ tìm mua thành phần nguyên liệu...

Thậm chí, nhiều clip trên các mạng xã hội còn hướng dẫn cách làm kem dưỡng da, xà bông tắm, son dưỡng môi, nước hoa khô, dầu dưỡng tóc từ chính những loại tinh dầu thiên nhiên, sáp ong... Hầu hết, các bài hướng dẫn cách thức pha chế mỹ phẩm đều khá chi tiết với từng bước chế biến. Ngoài ra, còn có những thông tin cụ thể về địa chỉ tìm mua thành phần nguyên liệu, cách vệ sinh dụng cụ đựng, cách bảo quản thành phẩm…

Việc "tự chế" mỹ phẩm có vẻ rất đơn giản, rẻ tiền và hết sức an toàn với thành phần nguyên liệu có thể dễ dàng tìm mua trong nước. Ngoài yếu tố chi phí, người sử dụng lại biết được rõ ràng thành phần tạo nên sản phẩm là gì để có thể tra cứu, kiểm nghiệm về tính năng, công dụng của chúng... Chính điều này đã khiến cho mỹ phẩm tự chế trở nên an toàn và hữu dụng hơn.

Rước họa với mỹ phẩm... tự chế - 1

Các công thức tự làm tinh dầu dừa trên trang web

Do đó, mỹ phẩm thiên nhiên và các loại tinh dầu tự nhiên trở thành phương thức làm đẹp "cực hot" của không ít chị em. Những loại mỹ phẩm này thu hút từ giới công sở có nhiều thời gian lướt web tìm tòi nghiên cứu các loại mỹ phẩm, giới sinh viên, học sinh ít tiền mà muốn chăm sóc sắc đẹp an toàn cho đến các bà nội trợ có nhiều thời gian tự bào chế mỹ phẩm. Ngoài các loại kem "da truyền", kem trộn từ lâu đã được cảnh báo về mức độ độc hại và mất an toàn cho da, còn xuất hiện nhiều loại mặt nạ chiết xuất từ cám gạo, cao bí đao, nước hoa hồng, dấm táo…

Khi xu hướng tự làm mỹ phẩm trở nên phổ biến. Nhiều người còn chuyển sang kinh doanh bán sẵn các loại mỹ phẩm thiên nhiên với giá rất rẻ chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng/sản phẩm đủ dùng đến vài ba tháng. Có nhiều shop bán mỹ phẩm tự làm được khá nhiều người biết đến như Hoa Trà Đỏ, Lota shop; trên mạng thì có ibiet.net dạy làm mỹ phẩm và nguyenlieumypham bán nguyên vật liệu…

Theo hướng dẫn của trang web, hầu hết mọi loại tinh dầu hay mỹ phẩm thiên nhiên đều có thể dùng làm kem dưỡng da mặt, dưỡng ẩm, dưỡng tóc và mọc dài mi… Dầu oliu có thể bôi trực tiếp lên da để dưỡng ẩm mùa đông, chống nứt nẻ, se khít lỗ chân lông, hoặc bôi lên tóc để ủ tóc, dành cho các loại tóc khô xơ xác do dùng nhiều hoá chất. Dầu dừa cũng có công dụng tương tự nhưng còn được dùng để bôi lên mi, kích thích mọc dài mi, bôi chân tóc để tránh rụng tóc, trị dầu. Sáp ong cũng được dùng nhiều trong việc chống nứt nẻ, rạn da bụng cho phụ nữ sau khi sinh, bôi dưỡng môi chống nẻ…

Ngoài ra, còn có các loại cám gạo, bột yến mạch, bột ngọc trai dùng để trộn với sữa, mật ong để đắp mặt nạ dưỡng da… Chị Hoàng Hương (Ngọc Thụy, Hà Nội) cho biết: "Mình đọc trên trang web www.lamdepcungha.com thấy nhiều công thức làm đẹp hấp dẫn quá mà lại dễ thực hiện. Những loại tinh dầu dừa, dầu oliu có thể dùng để dưỡng da, tẩy da chết, dưỡng môi, chăm sóc tóc mà lại rất dễ làm. Chỉ cần mua khoảng 1kg dừa khô với giá 30.000 - 40.000 đồng là có thể đun thành 100 ml tinh dầu dừa nguyên chất".

Còn chị Thu Trang (Việt Hưng, Hà Nội) lại “cấp cứu” mái tóc xơ xác do uốn, ép tạo kiểu nhiều lần bằng chính loại dầu oliu vẫn bán ở các siêu thị. Chị Trang chia sẻ, một lần tình cờ truy cập trang web webtretho.com thấy có một số thành viên chia sẻ kinh nghiệm dùng dầu oliu ủ tóc để tóc mượt mà hơn. Chị ra siêu thị mua chai dầu oliu nguyên chất giá chỉ khoảng 150.000 đồng/nửa lít mà dùng nửa năm mới hết, tóc càng ngày càng mượt mà hơn.

Cũng theo các công thức trên, chị còn pha trộn dầu oliu với đường để tẩy da chết hoặc dùng làm kem dưỡng ẩm mỗi người. "Nhờ chai dầu đó mà da, tóc tôi ngày càng đẹp hơn. Ông xã khen lắm, vừa rẻ tiền lại đỡ lo hoá chất như mỹ phẩm bán ngoài hàng. Từ ngày trở thành tín đồ của các loại mỹ phẩm tự chế, tôi tiết kiệm được kha khá tiền mua các loại mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản mà hiệu quả làm đẹp lại rất bất ngờ", chị Trang bật mí.

Những ẩn họa rình rập

Thế nhưng, không phải bất cứ loại mỹ phẩm thiên nhiên, tự chế nào cũng tuyệt đối an toàn với người sử dụng và đem đến công dụng làm đẹp mĩ mãn. Do không có thời gian tự chế biến nên nhiều chị em thường đặt mua các sản phẩm "hand made" được rao bán trên mạng. Hầu hết các sản phẩm này đều được người bán hàng quảng cáo là làm thủ công, nguyên chất 100% nên không sợ pha tạp, hoàn toàn không phụ gia, không chất bảo quản nên tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng.

Tuy nhiên, bao bì đóng gói sản phẩm khá thô sơ, không nhãn mác và cũng không qua bất cứ sự kiểm nghiệm của cơ quan y tế nào. Việc làm các loại mỹ phẩm trên chỉ đòi hỏi thời gian và cũng khá đơn giản, trong khi đó lợi nhuận đem lại là rất lớn. Các loại mỹ phẩm như mặt nạ khoai tây, sáp ong, cám gạo sau khi qua một vài khâu xử lý đơn giản như nghiền, xay xát, người bán đã có thể bán ra được những sản phẩm có giá trị cao hơn vài ba lần giá nguyên liệu.

Chị Hà (TP.Hồ Chí Minh), chủ nhân trang web lamdep...- nơi cung cấp khá nhiều công thức làm đẹp từ các loại tinh dầu dừa, tinh dầu oliu cho biết, tất cả thương hiệu sản xuất đều khẳng định dầu dừa của mình "100% nguyên chất, 100% tinh khiết, công nghệ ép nguội, hoàn toàn không phụ gia, không chất bảo quản" và hướng dẫn cách phân biệt dầu dừa "tinh khiết" với "tinh luyện". Nhưng thực tế, có đến 90% các cơ sở có pha trộn tạp chất. Là người tự bào chế dầu dừa thường xuyên nên theo cảm nhận của chị, dầu dừa của họ đều loãng và có mùi nhạt (tỉ lệ dầu dừa tinh khiết rất thấp hoặc chỉ là mùi hương liệu), hăng và hơi chua vì dầu đã cũ. Đặc biệt, những loại dầu chỉ có giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng/lít bởi mỗi lít dầu dừa nguyên chất thứ thiệt tính theo giá gốc ít nhất cũng đã là 150.000 đồng, chưa kể tiền công nạo, ép, củi lửa, chế biến, tiền vận chuyển…

Nguy hiểm hơn, có những cơ sở còn dùng chất tẩy rửa trong chế biến dầu dừa và bán với giá "siêu bèo" chỉ 50.000 - 60.000 đồng/lít. Chị nào "lỡ" mua dầu dừa tinh luyện để làm đẹp hoặc uống để chữa bệnh thì không khéo "lợi bất cập hại", thậm chí "tiền mất tật mang” nữa.

Chị Thanh Nga (Bà Triệu, Hà Nội) kể lại, sau khi mua một chai tinh dầu dừa của một người bán hàng trên chợ "ảo" về đã thấy chai có dấu hiệu vẩn đục, mùi rất chua. Bôi lên mặt thì chưa đầy 30 phút, da đã có vết mẩn đỏ thành từng mảng lớn, vừa sưng vừa ngứa. Không hiểu là do chị bị dị ứng với thành phần nào trong đó hay là do mua phải hàng đóng gói, chế biến mất vệ sinh (?!). Gọi điện "mắng vốn" người bán hàng thì chị được nghe giải thích là hàng được sản xuất thủ công nên chất lượng cũng "hên xui". Bản thân người bán hàng cũng không biết được các loại mỹ phẩm mình làm ra bị biến chất có phải do bảo quản hay không ? Hoặc cũng thu mua lại từ những nguồn khác nên nguyên liệu là chất gì, có pha tạp họ cũng… không biết.

Mang tiếng là các sản phẩm có xuất xứ từ thiên nhiên nhưng hầu hết người bán hàng đều không nắm được quy trình sản xuất và thành phần của các loại mỹ phẩm này. Có chăng chỉ dựa vào các thông tin được dán kèm, người bán hàng lại "bồi" thêm để công dụng của sản phẩm khi đến với khách hàng sẽ trở nên "bùi tai" hơn. Ngoại trừ một số sản phẩm do người bán hàng trực tiếp pha trộn hoặc hướng dẫn người dùng tự trộn có thể yên tâm hơn nhưng những “tai nạn” xung quanh việc sử dụng các sản phẩm này thì cũng không phải là hiếm. Đi vòng quanh các bệnh viện và phòng khám về da liễu, có thể bắt gặp nhiều trường hợp phải đến điều trị vì dùng mỹ phẩm tự pha chế. Mụn rộp, dị ứng, mẩn đỏ và ngứa ở mức độ nhẹ, nặng hơn người tiêu dùng có thể bị lở loét, thậm chí bị hoại tử nếu không được điều trị kịp thời.

Mặt khác, khi sử dụng các sản phẩm này, người dùng không nhận được bất kì sự đảm bảo nào về chất lượng và trách nhiệm của nhà sản xuất, phải chấp nhận "mình dùng mình chịu", may rủi "tuỳ theo trời". Cả người bán lẫn người mua đều tự xác định "luật" đó và vòng quay của những sản phẩm này lại tiếp tục. Ý thức "thiên nhiên" hay "tự nhiên" đến mức ngây thơ, dễ dãi sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể là đường dẫn đến những mầm bệnh khó lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Huệ (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN