Quỹ BHYT: Tiền thừa, vẫn kêu khó!

Trong khi quỹ BHYT kết dư số tiền khổng lồ thì người bệnh vẫn chật vật cùng chi trả BHYT và bất đắc dĩ phải vượt tuyến vì ngoài mấy viên thuốc, các dịch vụ kỹ thuật cao đều không có.

Theo Bộ Y tế, quỹ BHYT năm 2012 kết dư gần 13.000 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ đồng so với năm 2011. Tại nhiều địa phương, số tiền kết dư lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Gồng mình đồng chi trả

Ông Trần Đức Quý, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang, cho biết tính chung số tiền kết dư quỹ BHYT của tỉnh này từ năm 2010 đến nay đã lên tới hơn 182 tỉ đồng.

“Theo quy định, 60% số tiền kết dư sẽ cho phép địa phương mua sắm trang thiết bị, đầu tư bệnh viện (BV), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Với mong muốn nguồn quỹ này sẽ giúp địa phương đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc để người dân có điều  kiện tiếp cận dịch vụ kỹ thuật tốt hơn, nâng cao việc hưởng thụ các dịch vụ y tế nên chúng tôi đã tổ chức đấu thầu một số máy móc. Thế nhưng, việc đấu thầu bị đình lại vì thời điểm đó không có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng số tiền kết dư” - ông Quý nói.

Quỹ BHYT: Tiền thừa, vẫn kêu khó! - 1

Chi phí cho các dịch vụ y tế luôn là mối quan tâm của người bệnh lẫn thân nhân

Không riêng gì các tỉnh miền núi, vốn điều kiện đi lại khó khăn nên chủ yếu người bệnh khám tại trạm y tế xã. Ngay cả Hà Nội, trong 3 năm qua, quỹ BHYT cũng đều có kết dư (năm 2010: 571 tỉ đồng, năm 2011: 319,6 tỉ đồng, năm 2012: gần 900 tỉ đồng). Trong khi đó, các BV vẫn kêu khó khăn về tài chính, người bệnh BHYT vẫn phải gồng mình đóng các khoản tiền không nhỏ để đồng chi trả.

Người bệnh vẫn thiệt

Trong khi quỹ BHYT kết dư số tiền khổng lồ thì người bệnh vẫn chật vật cùng chi trả BHYT và bất đắc dĩ phải vượt tuyến vì ngoài mấy viên thuốc, các dịch vụ kỹ thuật cao đều không có. Thêm nữa, dự thảo Luật BHYT sửa đổi tiếp tục đề xuất mức đóng bằng 6% (hiện là 4,5%) lương tối thiểu, tiền công tháng của người lao động. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Lý giải cho nghịch lý này, bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sau khi thực hiện Luật BHYT, quỹ BHYT trong 2 năm 2010 và 2011 không những bù đắp bội chi của năm 2009 mà còn kết dư. Tuy nhiên, cũng thời điểm đó, viện phí được điều chỉnh. Với việc tăng viện phí, ước tính năm 2013 sẽ bội chi khoảng 10.000 tỉ đồng. Do vậy, nguồn kết dư đã được bổ sung vào nguồn dự phòng của năm 2013 để tránh vỡ quỹ.

Dù thời điểm này chưa điều chỉnh phí đóng BHYT nhưng đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đều khẳng định theo lộ trình, mức đóng sẽ tăng lên 6% cùng với viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ trong thời gian tới.

Bức tranh bất bình đẳng

Dù tỉ lệ bao phủ BHYT ngày càng tăng và danh mục dịch vụ y tế, thuốc được BHYT ngày càng mở rộng nhưng người bệnh BHYT chưa được thanh toán thỏa đáng.

Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật BHYT sửa đổi, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thẳng thắn: “Người Việt phải chi trả chi phí dịch vụ y tế quá cao, chiếm đến 50% tổng chi tiêu y tế, trong khi ở nhiều nước có nền kinh tế tương đương Việt Nam, tỉ lệ này chỉ dưới 30%. Nguyên nhân của tình trạng này là do tỉ lệ BHYT chi trả cho dịch vụ y tế còn hạn chế”.

Bên cạnh đó, thời gian qua có tình trạng bất bình đẳng trong việc khám chữa bệnh tại các cơ sở công lập. Đối nghịch với cảnh mòn mỏi chờ đợi quá lâu, quá mệt mỏi ở khu khám bệnh theo BHYT thì ở khu vực khám dịch vụ theo yêu cầu - nơi có sự góp vốn cổ phần của tư nhân với mức viện phí cao hơn, người bệnh được phục vụ như “thượng đế”.

Thực trạng một BV nhiều chế độ đã tạo ra bức tranh bất bình đẳng, phân biệt đối xử với người bệnh, nhất là người nghèo. Ngoài ra còn có tình trạng thuốc được bảo hiểm thanh toán đã không đáp ứng điều trị nên bác sĩ kê loại ngoài danh mục cho bệnh nhân.

Như vậy, người bệnh BHYT muốn chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn vẫn phải chấp nhận chi thêm tiền túi. Đó là chưa kể tình trạng các cơ sở y tế do không quản trị tốt nguồn lực tài chính dẫn đến bội chi quỹ, vượt trần thanh toán BHYT nên đã siết chặt các chỉ định điều trị, giữ bệnh nhân không cho chuyển tuyến, gây khó khăn cho họ.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết ngoài những trường hợp được quỹ BHYT thanh toán 100%, người dân phải cùng chi trả 5%-20% chi phí khám chữa bệnh. Nguồn quỹ BHYT không được sử dụng để cùng chi trả cho người nghèo, người mắc các bệnh mạn tính mà sẽ có nguồn quỹ trích từ ngân sách nhà nước để chi trả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC DUNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN