Quà vặt cổng trường: Mong bố mẹ đừng tự tay "giết" con!
Các chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết, thực phẩm đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường, gần như không kiểm soát được và là mảnh đất màu mỡ của các loại hóa chất, phụ gia độc hại.
Học sinh vẫn thản nhiên ăn quà vặt trong sự tiếp tay của phụ huynh
Anh H.L (quận 3), một người đã từng mở quán nhậu thẳng thắn cho biết, khô bò mà những người bán rong hay mời chào khách nhậu không bao giờ được làm từ thịt bò mà làm từ thịt heo thối, phổi lợn, phổi bò, phổi trâu và làm cả từ măng tre.
Thịt heo cũ, thối được sử dụng hóa chất để khử mùi tanh hôi, sau đó luộc lên, thái thành từng miếng nhỏ, ép mỏng để nó có hình dạng y như thớ thịt bò. Tiếp theo, thịt được nhuộm màu, tẩm ướp hương liệu mùi bò cùng một số gia vị rồi đem sấy khô, đóng gói.
Khô bò còn được làm từ măng tre, sau khi luộc và xả nước lạnh để hết mùi đắng, họ ngâm măng với hóa chất nhằm tạo độ dai rồi cho vào máy cán, cán mỏng, tẩm hương liệu mùi bò cùng đường, bột ngọt, gừng, tỏi, ớt, sả và phẩm màu rồi sấy khô, đóng gói.
Các loại bò khô giả này rất khó có thể phân biệt được bằng mắt thường vì ngoài bao bì in ấn rất đẹp, rất sạch sẽ, màu sắc của thịt rất hấp dẫn.
Anh L. cho biết, để làm ra 1kg khô bò, phải cần từ 2,6 đến 2,7kg thịt bò tươi với chi phí khoảng 650.000 đồng và người bán thường chào giá 750.000 đồng/kg nếu là bán lẻ. Trong khi đó, 1kg bò khô làm từ thịt heo thối chỉ có giá 400.000 đồng hoặc 450.000 đồng, còn bò khô làm từ măng còn rẻ hơn nữa, khoảng 250.000 đồng, các cơ sở chế biến thường bỏ mối cho những quán nhậu bình dân vỉa hè, cho người bán rong, bán dạo trước cổng trường học.
Một chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm nhìn nhận chưa có cơ quan nào quản lý được thực phẩm bán rong ngoài đường, nhất là quanh các trường học. Do đặc thù kinh doanh là bán “chạy”, không cố định nên họ dễ dàng né được cơ quan chức năng.
Điều đáng nói nhất, tất cả các loại đồ trên đều không có ai kiểm chứng về chất lượng, thậm chí có những túi kẹo không có địa chỉ nơi sản xuất mà chỉ có vài dòng chữ Trung Quốc ghi ngoài bao bì. Kể cả các phụ gia như dầu mỡ, thậm chí cả xúc xích cũng “trần truồng” không có một dòng nhãn mác hay hạn sử dụng.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, rất nhiều xúc xích, nem chua được bán rong có nguồn gốc không rõ ràng, được chế biến từ thịt ôi thiu trong những cơ sở tư nhân thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồ chiên rán như nem chua rán thường dùng dầu, mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần gây biến chất vì tạo thành axit béo dạng xấu (trans fat) không có lợi cho sức khỏe, gây đầy bụng, khó tiêu, nguy hiểm khiến người ăn sẽ bị béo phì và bị bệnh tim mạch.
Xúc xích, nem chua thường phải sử dụng chất bảo quản tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit. Chất này vừa bảo quản thực phẩm lâu vừa làm xúc xích tươi, đỏ màu. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu hóa, chất này sẽ phản ứng với axit amin có trong thịt để tạo thành chất gây ung thư nitrosamine ở ruột.
Bò khô làm từ phổi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, kể cả lao ruột nếu trong phổi vẫn tồn tại trực khuẩn lao. Đó là chưa nói đến những hóa chất dùng để tẩm ướp có loại rất độc với cơ thể người nếu hấp thụ lâu dài.
GS.TS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, việc sử dụng thực phẩm không an toàn không thể mắc bệnh ung thư ngay. Nhưng nếu dùng trong thời gian dài, tích lũy dần trong cơ thể con người thì nó sẽ gây bệnh.
Có lẽ, chưa khi nào như thời điểm này mọi người dân lại quan tâm đến sức khỏe đến vậy, đặc biệt là căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng các ông bố, bà mẹ đôi khi vì thương con đói, hoặc chiều con mà lại tự tay “giết” con mình bằng những thực phẩm không an toàn.