Quá tải rồng con: Chưa thấy sướng, đã thấy thiệt

Quan niệm sinh năm tốt của nhiều gia đình khiến các bệnh viện sản, nhi sắp “chết đứng”. PV đã có cuộc trao đổi về “sốt” năm rồng tại TP.HCM với Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM.

Áp lực sinh con năm tốt không chỉ do người trẻ mà còn do người lớn như ông bà, cha mẹ bàn ra tán vào. Quan niệm này cũng song hành với việc chọn lựa sinh trai, sinh gái. Có người không định sinh nhưng do suy nghĩ đó là năm tốt cũng tranh thủ sinh vào năm đó.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trương - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết mới đầu thấy số ca sinh tăng nhiều, bệnh viện cứ tưởng là do áp lực của tử vong mẹ thời gian vừa qua ở một số địa phương nên thai phụ dồn về TP. Kiểm tra lại thì thấy số thai phụ thật sự là người của TP.HCM tăng đến mức không chịu nổi! Thông thường những năm trước đỉnh điểm số ca sinh tăng bắt đầu từ quý 3, nhưng năm nay mới ra tết đã bắt đầu căng thẳng vì quá tải số sinh.

Quá tải rồng con: Chưa thấy sướng, đã thấy thiệt - 1

Giường bệnh được kê kín cả lối đi tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: Viễn Sự

Thưa bác sĩ, mới sáu tháng đầu năm nhưng tại TP.HCM số ca sinh đã tăng vọt hơn 11.000 ca. Về mặt xã hội, điều này có ảnh hưởng gì?

Trước mắt, khi số sinh tăng cao đột biến thì chắc chắn tỉ lệ số ca biến chứng, tai biến, bệnh lý đi kèm của mẹ và bé cũng tăng lên. Ngay từ đầu năm 2012 đã xảy ra hàng loạt tai biến sản khoa dẫn đến chết người rộ lên ở nhiều địa phương. Những thông tin này đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân rất nhiều và người ta lại đổ xô vào những bệnh viện sản phụ khoa lớn.

Số ca sinh tăng vọt cũng làm ảnh hưởng nặng nề đến các chương trình nâng cao chất lượng dân số của TP như chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh...

2013 cũng là năm được cho là tốt vì có can Quý (Quý Tỵ). Bác sĩ có ý kiến gì nếu lại có nhiều áp lực khi “rắn quý” chào đời?

- Nhiều người cho rằng năm sau có can Quý là năm tốt nên dự báo năm sau số sinh cũng sẽ rất cao. Đây là sự lựa chọn của người dân nên các bệnh viện vẫn phải phục vụ, nhưng rất cần sự thông cảm từ phía người dân.

Phương Tây không có “thập can, thập nhị chi” nhưng họ vẫn phát triển và đi trước ào ào. Những người đã được khẳng định là tài, giỏi đều không phải đến từ một ngôi sao nào đó ở trên trời. Nếu vẫn còn quan niệm này và đổ dồn sinh vào “năm tốt” thì hệ lụy là những đứa con được sinh trong “năm tốt” lại bị thiệt thòi nhiều hơn những đứa con sinh vào “năm xấu”.

Cụ thể thiệt thòi thế nào, thưa bác sĩ?

Thường các bé sinh “năm xấu” như Canh Dần vào nhà trẻ, mẫu giáo, lớp 1 và những cấp tiếp theo rất dễ dàng, thoải mái nhưng những bé sinh vào “năm tốt” như Nhâm Thìn sau này cực kỳ khó khăn, gian nan. Bởi khi số trẻ sinh tăng cao sẽ kéo theo hệ lụy thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, dẫn đến “chạy trường, chạy lớp”. “Nhóm rồng” này khi thi đại học cũng khó khăn hơn do tỉ lệ “chọi” để có một suất vào giảng đường đại học cao hơn. Rồi khi bị bệnh tật thì việc chăm sóc y tế của nhóm “rồng con” này cũng khó khăn hơn vì bệnh xảy ra theo dịch tễ, lứa tuổi. Dịch bệnh xảy ra thì số trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn và các bệnh viện nhi cũng bị quá tải hơn.

Chưa thấy các cháu sướng thế nào, chính chúng ta đã làm khổ con em mình trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo LÊ THANH HÀ (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN