Quá tải “rồng con”: Tràn ngập bệnh nhi

Khi số ca sinh tăng mạnh, số bé bị bệnh phải vào bệnh viện tất nhiên cũng tăng theo. Quá tải “rồng con” ở bệnh viện sản luôn kéo theo quá tải bệnh nhi sơ sinh ở các bệnh viện nhi của thành phố.

Thông thường các bé sơ sinh bị bệnh sẽ được nhập khoa sơ sinh của bệnh viện sản điều trị. Nếu bệnh quá nặng, các bé được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM) điều trị. Vì vậy, quá tải “rồng con” ở bệnh viện sản luôn kéo theo quá tải bệnh nhi sơ sinh ở các bệnh viện nhi của thành phố.

Quá tải “rồng con”: Tràn ngập bệnh nhi - 1

Giường bệnh được kê kín cả lối đi tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: Viễn Sự

“Rồng” nằm... hành lang

Ngày 24-9, tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ phòng cấp cứu đến các phòng bệnh và hành lang của khoa đều tràn ngập trẻ sơ sinh. Trước cửa phòng S304, chị Hà Thị Hương (20 tuổi, Bạc Liêu) đang chăm con mới 18 ngày tuổi, chị kể con chị bị teo ruột non vừa được bác sĩ phẫu thuật, hai ngày nay hai mẹ con chị phải ra hành lang nằm. Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bé (47 tuổi, Long An) - đang chăm sóc cháu nội 20 ngày tuổi bị bệnh viêm phổi - than thở: “Bệnh viện đông quá. Mới sinh nhỏ xíu thế này mà phải nằm hành lang. Tội quá”.

Trong phòng bệnh không khí còn nhộn nhạo hơn, kẻ ra người vô, tiếng con nít khóc cứ liên tục ré lên. Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (22 tuổi, An Giang) mệt mỏi nói: “Các bé đều bị bệnh mà giường nào cũng phải nằm ghép 3-4 trẻ”. Ban ngày còn đỡ khổ, khi đêm xuống thì cứ một trẻ khóc, ngọ nguậy là trẻ khác lại giật mình khóc theo.

Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện số trẻ sơ sinh nhập viện điều trị đã lên con số kỷ lục. Tháng 6-2012, trung bình có 180 trẻ sơ sinh nằm điều trị/ngày, tháng 7 là 190 trẻ, tháng 8 tăng lên 212 trẻ. Riêng ngày 24-9, số trẻ sơ sinh nằm điều trị vọt lên 275 trẻ. Số trẻ sơ sinh nằm viện đã gấp đôi số giường hiện có của khoa sơ sinh (132 giường), nên không chỉ các phòng bệnh phải nằm ghép mà ngay trong phòng cấp cứu của khoa cũng phải nằm ghép hai trẻ sơ sinh/giường. Những tháng gần đây, ca trực nào bệnh đông quá, khoa sơ sinh phải tăng cường người mới làm xuể công việc.

Bác sĩ Mậu phân tích nhân viên y tế là một con số cố định, giường bệnh cũng chỉ có giới hạn nhưng số trẻ nhập viện cứ tăng cao thì chất lượng điều trị sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ sơ sinh nhập viện tăng còn kéo theo tình trạng thiếu các trang thiết bị. “Thiếu trang thiết bị còn tăng cường được, chứ thiếu giường bệnh thì không thể sắp xếp thêm vì không còn khoảng trống nào để cơi nới. Ngày trước hành lang để thoáng cho trẻ được thoải mái, giờ cũng phải trưng dụng làm nơi dành cho trẻ nằm” - bác sĩ Mậu nói.

Kê thêm giường bệnh

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, do quá tải bệnh nhi sơ sinh nên toàn bộ hành lang bên hông và phía trước của khoa sơ sinh đều phải cơi nới, dựng thêm vách ngăn để có phòng đặt thêm giường cho bệnh nhi nằm điều trị.

Trong phòng điều trị, bệnh viện phải kê thêm giường, thay vì mỗi giường phải được đặt cách nhau ít nhất nửa mét để tránh lây nhiễm chéo bệnh nhi. Thậm chí nhiều giường có đến ba trẻ sơ sinh cùng nằm chung nhau. Bác sĩ Nhật Trung  - trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết theo thiết kế, khoa sơ sinh chỉ có 70 giường và khả năng tiếp nhận tối đa chỉ chừng 110 bệnh nhi. Thế nhưng mấy tháng qua, lúc nào khoa cũng có 160-170 bé nằm điều trị, trong đó hơn 60% là các bệnh nhi từ tỉnh khác đến. Tháng nào bệnh viện cũng phải đóng thêm giường, còn lồng ấp, giường sưởi, đèn chiếu chống vàng da thì thiếu trầm trọng. Theo bác sĩ Trung, dự kiến đến cuối năm số bệnh nhi sơ sinh sẽ còn tăng thêm. Khoa sơ sinh đang phải cơi nới thêm một hành lang bên hông, đây cũng là chỗ cuối cùng có thể cơi nới được.

Theo bác sĩ Trương Quang Định - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tháng 8-2012 số trẻ sơ sinh nhập viện tại Nhi Đồng 2 đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2012 đến nay, tỉ lệ trẻ sơ sinh từ các tỉnh khác đến nhập viện cũng tăng cao.

Theo các bác sĩ sản khoa, nhi khoa, một trong những nguyên nhân khiến số trẻ sơ sinh mắc bệnh tăng cao là do nhiều người quan niệm sinh con năm Nhâm Thìn thì sau này con sẽ được vinh hoa phú quý. Quan niệm này đẩy số ca sinh tăng đột biến trong năm nay. Khi tỉ lệ sinh tăng cao thì tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh cũng tăng theo.

Trong số các bé từ tỉnh đến các bệnh viện nhi của TP.HCM điều trị có nhiều trẻ sơ sinh chỉ mắc bệnh thông thường như viêm phổi, ọc sữa, nghẹt mũi, ho... Thế nhưng gia đình các bé vẫn bất chấp đường xa, không ngại tốn kém chi phí để đưa con lên tuyến trên điều trị, dù có khi phải nằm vật vạ ngoài hành lang. Các bác sĩ ở khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 2 đánh giá có khoảng 40% trẻ từ tỉnh chuyển về mắc các chứng bệnh mà bệnh viện tuyến huyện, tỉnh có thừa khả năng chữa trị. Đáng tiếc là những bệnh viện này chưa “chữa” được tâm lý thiếu tin tưởng của gia đình bệnh nhi.

Nhiều ca tử vong khi sinh

Theo thống kê của Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), trong sáu tháng đầu năm 2012 cả nước đã có 88 ca tử vong mẹ hoặc tử vong con trong quá trình sinh nở. Trong số này có 28 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lý có sẵn của sản phụ và trẻ sơ sinh, 60 ca do tai biến sản khoa. Thống kê về địa điểm xảy ra tai biến, có 10 trường hợp tử vong tại nhà, 14 trường hợp tử vong trên đường chuyển viện, số còn lại tử vong tại cơ sở y tế.

Tuy thống kê này không nêu số tai biến do lỗi của cơ sở y tế, nhưng thời gian gần đây đã có một số trường hợp bệnh viện thỏa thuận đền bù cho gia đình bệnh nhân do lỗi sơ suất của bệnh viện, trong đó có những trường hợp mức đền bù lên đến hàng trăm triệu đồng. Gần đây nhất, ngày 29-9, sản phụ N.T.H. (sinh năm 1992) đã tử vong tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Nguyên nhân chính thức còn chờ kết luận của cơ quan pháp y Bộ Công an, nhưng theo đánh giá ban đầu của bệnh viện, nguyên nhân tử vong có thể do “tắc mạch ối”, một nguyên nhân rất hãn hữu mới xảy ra, nhưng không hiểu vì lý do gì lại thường xuyên xuất hiện trong thời gian gần đây.

Trao đổi với PV, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Văn Tân cho hay tỉ lệ sinh đã tăng mạnh trong năm Nhâm Thìn. Trong đó trên phạm vi toàn quốc, tỉ lệ sinh đã tăng trên 10% so với cùng kỳ 2011. Tại các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Gia Lai..., tỉ lệ trẻ sơ sinh là con thứ ba tăng mạnh so với cùng kỳ. Tại nhiều địa phương, do tỉ lệ sinh, tỉ lệ trẻ sơ sinh là con thứ ba đều tăng, mục tiêu dân số 2012 sẽ không đạt như dự kiến.

L.ANH


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG - VIỄN SỰ (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN