Nỗi đau u mang dạ chửa

Cơn đau từ cuộc vượt cạn hiểm nghèo vẫn đeo bám trên cơ thể, và phía trước còn một cuộc đại phẫu, nhưng cứ nhìn vào gương mặt kháu khỉnh của con gái, mọi lo lắng, đau đớn trong lòng sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Cai Lậy, Tiền Giang) biến đâu mất.

Vui chưa tròn, buồn đã đến

Chị kể lại: “Mang thai được hơn hai tháng, đột nhiên đang làm việc, tự dưng tôi bị đau bụng quằn quại từng cơn, đứng cũng không nổi, cử động kiểu nào cũng đau. Sợ thai có chuyện chẳng lành, tôi gấp rút tìm đến phòng mạch của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ siêu âm, phát hiện trong người tôi có một khối u nang. Nhưng cả tôi và bác sĩ đều không tin vào kết quả đó, nên tôi lập tức đón xe lên bệnh viện Từ Dũ.

Ở đây, bác sĩ sau khi khám cũng chẩn đoán tôi đang có khối u trong tử cung. Họ bảo tình trạng của tôi khá nguy hiểm, phải mổ bỏ u nên ảnh hưởng khá nặng đến thai nhi!” Nghe vậy, chị Huyền chỉ biết khóc, bước đi vô định ngoài hành lang bệnh viện. Trong đầu chị giằng co bởi suy nghĩ mổ hay không. Nếu lấy khối u ra thì cũng đồng nghĩa với bỏ đi mầm sống đang phát triển trong chị.

Nỗi đau u mang dạ chửa - 1

Sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Huyền.

Nhưng nếu không mổ thì chị phải chịu đau đớn mỗi ngày, thậm chí tính mạng của hai mẹ con cũng bị đe doạ một khi khối u lớn dần. “Tôi nói với chồng cứ để mình chịu đau đớn, miễn giữ được con. Vợ chồng tôi quyết định ra về, giữa lúc đó bệnh viện lại gọi vào và tiến hành chụp MRI, kết quả: không phải chỉ là u nang, mà là một khối bướu lớn! Bệnh viện chuyển tôi qua bệnh viện Ung bướu khám, nhưng kết quả vẫn vậy. Các bác sĩ đều khuyên tôi phẫu thuật lấy khối bướu, nếu không bướu sẽ gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con”.

Khi thai được hơn bốn tháng, bác sĩ tại bệnh viện Ung bướu quyết định phẫu thuật lấy khối u giúp chị Huyền. Nhưng trong quá trình phẫu thuật, chị bị chứng máu loãng, mất máu khá nhiều, khối u lại nằm chèn lên vị trí của thai nhi nên không thể lấy ra được. Bác sĩ đành đóng vết mổ, đợi chị sinh em bé xong rồi mới mổ lại.

Quyết giữ sự sống cho con

Nỗi đau u mang dạ chửa - 2

Cô bé đã phải chung sống với khối bướu trong bụng mẹ.

Sau ca phẫu thuật ấy, chị Huyền trở về nhà, gắng chịu những cơn đau do khối bướu gây nên mỗi ngày. “May mắn cho tôi, mỗi lần đi khám thai định kỳ tại phòng mạch địa phương, bác sĩ đều bảo thai nhi phát triển tốt. Mỗi tháng tôi mới lên bệnh viện Ung bướu tái khám khối bướu. Bác sĩ cho thuốc giúp ngăn chặn sự tiến triển của bướu, nhưng mỗi lần tôi uống thuốc vào thì cơ thể nóng ran, bị ói liên tục, không ăn uống được thứ gì”, chị thổ lộ.

Sức khoẻ không tốt nên chị phải nghỉ làm, còn chồng thì đi làm xa, đồng lương công nhân mỗi tháng vỏn vẹn 2 triệu đồng cũng gửi hết về cho mẹ và vợ. Bên cạnh chị Huyền lúc đó chỉ có người mẹ chồng nhỏ thó, gầy còm. Nghĩ đến mẹ chồng, chị Huyền lại khóc: “Mẹ ruột tôi bị bệnh câm, nên mọi lo toan dồn hết cho mẹ chồng. Bà thương tôi lắm, sợ tôi suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến em bé trong bụng, mua được miếng thịt, mẹ đều nhường hết cho tôi. Bà lại chạy vạy vay mượn khắp nơi để đưa tôi đi chữa trị, chỉ mong còn nước còn tát. Tôi thương bà cực nhọc thì chỉ biết chảy nước mắt chứ bất lực, không biết làm gì. Lúc bí cùng, hai mẹ con không dám khóc, chỉ động viên nhau cùng vượt qua để cơn vượt cạn được vuông tròn”.

Nhưng quá ngày dự kiến sanh một tuần, chị vẫn không có dấu hiệu chuyển bụng. “Bác sĩ ở địa phương cho tôi dùng thuốc kích sinh nhưng vô hiệu. Một tuần sau tôi lên đến bệnh viện Từ Dũ thì mới chuyển dạ. Bác sĩ chỉ định cho tôi sinh thường, nhưng em bé bị khối bướu trong bụng cản trở, không quay đầu được, phải chuyển sang phẫu thuật. Tôi bị đau đến hai lần”. Ngày 5.12, khi được đưa sang phòng hồi sức, người mẹ 19 tuổi lần đầu được nghe tiếng khóc và nhìn thấy gương mặt đứa con gái bé bỏng. Em bé được 2,7 ký.

Lẽ ra sau khi sinh, chị Huyền sẽ được chuyển sang bệnh viện Ung bướu để tiếp tục một cuộc phẫu thuật lấy khối bướu vùng tử cung. Nhưng chi phí không có, chị đành cùng gia đình đưa con gái về quê, đến kỳ hẹn mới trở lại bệnh viện. Trước lúc rời bệnh viện, chị tâm sự: “Trong thai kỳ, có những khi tôi nghĩ rằng mình đã thua cuộc, vĩnh viễn không còn được nhìn thấy con trong cuộc đời này. Nhưng, tôi thầm nhủ cứ cố gắng chịu đựng cơn đau mỗi ngày một ít, rồi sẽ quen. Và rồi tôi đã làm được. Chặng đường phía trước với tôi cũng không dễ dàng gì, nhưng vì con, vì gia đình, tôi sẽ vượt qua”.

Trước khi mang thai nên thăm khám phụ khoa kỹ

Theo các bác sĩ bệnh viện phụ sản Từ Dũ, thai kỳ cũng thường phát sinh hiện tượng u nang như trường hợp Ngọc Huyền. U nang là hiện tượng bình thường nếu u lành, có thể mổ nội soi để lấy khối u mà không ảnh hưởng đến thai nhi hoặc đợi khi sinh xong sẽ phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu khối u ngày một tiến triển nhanh, to sẽ gây chèn ép kích thích tử cung co bóp và có nguy cơ sẩy thai. Ở trường hợp của Ngọc Huyền, khối u không gây sẩy nhưng chèn ép tử cung khiến thai nhi không thể quay đầu, thai phụ phải đẻ mổ.

Để phòng tránh những hiểm nguy do u nang mang đến trong thai kỳ, trước khi quyết định có thai, phụ nữ nên thăm khám phụ khoa kỹ nhằm phát hiện sớm các bất thường vùng tử cung. Nếu sau một năm kết hôn mà chưa có thai, phải đi khám phụ khoa xem có bất thường hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Cao (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN